Ung thư không chỉ đơn giản liên quan đến thể chất — nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của người bệnh. Ngay từ khoảnh khắc nhận chẩn đoán, người bệnh phải đối mặt với hàng loạt cảm xúc phức tạp, những quyết định khó khăn và một tương lai bất định. Trong khi điều trị y tế tập trung vào việc loại bỏ khối u hoặc làm chậm quá trình phát triển của nó, các khía cạnh tâm lý lại thường bị xem nhẹ hoặc không được hỗ trợ đầy đủ.
Bài viết này mô tả những khó khăn cảm xúc mà bệnh nhân thường gặp phải, giải thích vì sao sức khỏe tinh thần đóng vai trò thiết yếu trong chăm sóc ung thư, và đưa ra các giải pháp giúp chăm sóc tinh thần song song với điều trị thể chất.
Hành trình cảm xúc khi đối mặt với ung thư
Chẩn đoán ung thư thường khơi dậy nhiều cảm xúc mãnh liệt và thay đổi theo thời gian. Nhiều bệnh nhân ban đầu cảm thấy choáng ngợp trước hàng loạt quyết định, thuật ngữ y khoa và cảm giác mất kiểm soát. Họ còn vô cùng sợ hãi: sợ chết, sợ đau đớn, thay đổi ngoại hình hoặc ảnh hưởng đến gia đình và công việc.

Ngoài ra, căng thẳng và lo âu có thể xuất hiện ở bệnh nhân ung thư do điều trị kéo dài, khó khăn tài chính hoặc khi phải tìm hiểu và sử dụng hệ thống y tế. Nỗi buồn là phản ứng bình thường trước những mất mát mà ung thư mang lại, nhưng nếu kéo dài, nó có thể dẫn đến trầm cảm – một rối loạn cần được can thiệp chuyên môn. Bệnh nhân còn có thể cảm thấy tức giận, có thể là với bản thân, với bệnh tật hoặc quá trình điều trị, và thậm chí, một số người cảm thấy tội lỗi vì nghĩ rằng lối sống của mình góp phần gây ra ung thư hoặc vì trở thành gánh nặng cho người khác.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân vẫn cảm thấy cô đơn ngay cả khi có người thân bên cạnh, bởi ung thư có thể khiến người bệnh cảm thấy xa cách với người khác. Ngược lại, khi đối mặt với những khó khăn, nhiều bệnh nhân vẫn cảm thấy hy vọng và biết ơn vì sự hỗ trợ từ gia đình, hiệu quả của việc điều trị hay vì nhận ra giá trị của cuộc sống.
Những cảm xúc này thường xuất hiện theo từng đợt và có thể lẫn lộn, đan xen với nhau. Nhận diện và chăm sóc chúng là bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe tinh thần trong suốt hành trình điều trị.
Gánh nặng tâm lý trong ung thư: Điều không thể xem nhẹ
Khoảng 35–40% bệnh nhân ung thư được chẩn đoán mắc ít nhất một dạng rối loạn tâm thần trong quá trình điều trị hoặc sau đó. Các rối loạn thường gặp bao gồm trầm cảm, lo âu, và rối loạn điều chỉnh, thường rất dễ thấy ở những bệnh nhân tiếp nhận điều trị và chung sống lâu dài với căn bệnh này.
Tuy nhiên, tác động tâm lý không chỉ dừng ở trầm cảm hay lo âu. Người bệnh còn có thể gặp các vấn đề khác như rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), suy giảm chức năng nhận thức như các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung, thường được gọi là “sương mù não” (chemo brain), rối loạn triệu chứng cơ thể – khi căng thẳng tâm lý biểu hiện bằng triệu chứng thể chất, và các triệu chứng tâm thần như hoang tưởng do di căn lên não hoặc mê sảng do tổn thương thần kinh.

Ngoài ra, những thay đổi về tâm thần có thể xảy ra do (1) hội chứng cận ung thư, liên quan đến phản ứng miễn dịch với khối u ảnh hưởng đến chức năng não; hoặc là (2) tác dụng phụ của thuốc như corticosteroid và hóa trị.
Tất cả những vấn đề trên đều có thể làm gián đoạn điều trị, giảm chất lượng sống và làm xấu đi tiên lượng. Đáng lo ngại hơn, nguy cơ tự tử ở bệnh nhân ung thư cao hơn 20% so với người bình thường, đặc biệt trong 6 tháng đầu sau khi được chẩn đoán – khoảng thời gian nhạy cảm cần nhiều hỗ trợ nhất.
Mặc dù vấn đề tâm lý của bệnh nhân ung thư ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị, ước tính có tới 73% bệnh nhân ung thư mắc trầm cảm không nhận được chăm sóc tâm lý phù hợp.
Tăng cường lồng ghép chăm sóc tinh thần vào điều trị ung thư
Để khắc phục những thiếu sót nghiêm trọng này, các chuyên gia kêu gọi cần tích hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vào hệ thống điều trị ung thư. Điều này có nghĩa là hỗ trợ tâm lý phải được cung cấp như một phần thiết yếu trong quá trình điều trị.
Mỗi đội ngũ điều trị ung thư cần có sự tham gia của bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý hoặc y tá chuyên về tâm lý ung thư. Những chuyên gia này sẽ giúp đánh giá, hỗ trợ và đồng hành cùng người bệnh trong suốt quá trình điều trị.

Bên cạnh đó, các tuyến điều trị cần có hướng dẫn rõ ràng cách xác định và xử lý tình trạng căng thẳng tâm lý. Điều này bao gồm quy định rõ ràng khi nào và bằng cách nào bệnh nhân nên được chuyển sang hỗ trợ tâm lý, để đảm bảo người bệnh được tiếp cận sớm với liệu pháp tâm lý hoặc thuốc khi cần.
Đào tạo và nâng cao nhận thức cho đội ngũ y tế là điều không thể thiếu. Bác sĩ, điều dưỡng và các chuyên viên y tế cần có kỹ năng nhận biết dấu hiệu rối loạn cảm xúc và ứng xử phù hợp. Điều này góp phần giảm thiểu kỳ thị và giúp chăm sóc tinh thần trở thành một phần bình thường trong điều trị ung thư.
Chăm sóc tâm thần không chỉ là sự quan tâm nhân đạo mà còn cải thiện hiệu quả điều trị, giúp bệnh nhân kiên trì với phác đồ, cảm thấy tích cực hơn và hồi phục tốt hơn.
Gợi ý cho bệnh nhân
Không phải bệnh nhân ung thư nào cũng cần trị liệu tâm lý chuyên sâu, nhưng phần lớn mọi người đều cần sự hỗ trợ tinh thần. Dưới đây là một số cách thực tế để người bệnh và gia đình đối phó với căng thẳng:
- Tìm hiểu về bệnh: Hiểu rõ chẩn đoán và các phương pháp điều trị sẽ giúp bạn giảm lo âu và tăng cảm giác kiểm soát.
- Chia sẻ cảm xúc: Bạn có thể trò chuyện với người thân, bạn bè hoặc nhóm hỗ trợ khi họ cảm thấy sẵn sàng. Việc này có thể giúp giảm cô đơn và nhẹ lòng.
- Bạn không cần tự trách bản thân vì đã mắc bệnh vì đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được tại sau có người mắc bệnh ung thư và có người không. Bệnh nhân cần được tự do cảm nhận điều đang diễn ra và không cần phải luôn cố gắng vui vẻ.
- Duy trì hoạt động thường ngày: Giữ thói quen sinh hoạt ổn định giúp cảm thấy an toàn và bình thường hơn.
- Làm điều mình yêu thích và thư giãn tinh thần: Đọc sách, đi dạo, nghe nhạc… đều có tác dụng tích cực với tâm trạng. Hít thở sâu, thiền, hoặc tập yoga nhẹ nhàng có thể giúp xoa dịu lo âu. Viết nhật ký, vẽ tranh hoặc chơi nhạc giúp giải tỏa nội tâm.
- Học cách kiểm soát tác dụng phụ: Khi cơ thể không khỏe, bạn sẽ dễ cảm thấy buồn bã, hoặc khi đau đớn bạn có thể cáu gắt với người khác. Hãy học cách điều hòa những cảm xúc này bằng cách tìm hiểu về các tác dụng phụ của ung thư. Tập trung vào những điều bạn có thể kiểm soát như viết ra lịch trình hằng ngày, tích cực tham gia điều trị và thay đổi thói quen sống tích cực.
Người chăm sóc cũng cần được chăm sóc. Việc hỗ trợ người thân bị ung thư là một gánh nặng tinh thần lớn. Họ nên tìm đến hỗ trợ tâm lý hoặc nhóm hỗ trợ để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình.
Khi nào cần hỗ trợ chuyên môn
Đôi khi, cảm xúc tiêu cực trở nên quá tải và ta không thể tự kiểm soát chúng. Hãy tìm đến chuyên gia tâm lý nếu bạn có các dấu hiệu sau đây và các dấu hiệu kéo dài trong hơn 2 tuần:
Về tinh thần:
- Cảm thấy buồn bã, lo lắng hoặc tuyệt vọng
- Mất hứng thú sống, cảm thấy vô hồn
- Cảm giác lo lắng, run rẩy
- Cảm thấy tội lỗi và không xứng đáng
- Tránh né mọi người và các hoạt động yêu thích
- Khó tập trung
- Khóc lóc trong thời gian dài và nhiều lần trong ngày
- Có ý nghĩ làm tổn thương bản thân, tự tử
Về thể chất:
- Tăng hoặc giảm cân không kiểm soát
- Các vấn đề về giấc ngủ: không ngủ được, ngủ quá nhiều, mơ ác mộng
- Tim đập nhanh, miệng khô, đổ mồ hôi nhiều, khó chịu bụng, tiêu chảy
- Mức năng lượng thay đổi
- Mệt mỏi kéo dài
- Đau đầu và những vùng khác trên cơ thể
Bạn có thể tìm sự giúp đỡ từ:
- Chuyên gia tâm lý, trị liệu viên
- Nhóm hỗ trợ đồng hành
- Nhân viên xã hội y tế
- Bác sĩ kê đơn thuốc điều trị lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ
Tìm đến sự giúp đỡ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục.
Sức khỏe tinh thần là một phần thiết yếu trong chăm sóc ung thư
Khi điều trị chú trọng cả thể chất và tinh thần, bệnh nhân có cơ hội sống tốt hơn, hợp tác tốt hơn trong điều trị và phục hồi toàn diện hơn.

Các rối loạn tâm thần ở bệnh nhân ung thư rất phổ biến nhưng vẫn chưa được chú ý đầy đủ. Việc lồng ghép chăm sóc tinh thần thông qua các dịch vụ phối hợp, đào tạo nhân viên y tế và xây dựng lộ trình chăm sóc sức khỏe tâm thần rõ ràng là chìa khóa để cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Dù bạn là bệnh nhân, người thân hay người chăm sóc — bạn không đơn độc. Hãy tìm sự hỗ trợ, vì chữa lành không chỉ dành cho thể xác, mà còn cho tâm hồn.
Tài liệu tham khảo
- Fernando A, Tokell M, Ishak Y, Love J, Klammer M, Koh M. Mental health needs in cancer – a call for change. Future Healthc J. 2023 Jul;10(2):112–116. doi:10.7861/fhj.2023-0059. PMID: 37786642; PMCID: PMC10540791
- National Cancer Institute. Emotions and Cancer. Cập nhật năm 2024. Truy cập từ: https://www.cancer.gov/about-cancer/coping/feelings