Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do Virus viêm gan C (Hepatitis C Virus, HCV) gây ra. HCV có cấu trúc di truyền là sợi đơn RNA, có 7 kiểu gen: 1,2,3,4,5,6. Mỗi kiểu gen lại chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn a,b. Ở Việt Nam, kiểu gen thường gặp là 1,6,2 và 3.
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO), toàn cầu hiện có khoản 71 triệu người mắc viêm gan C mạn tính [1]. Khoảng 20% bệnh nhân nhiễm viêm gan C mạn tính sẽ tiến triển tới ung thư gan trong thời gian từ 20-30 năm kể từ khi bị bệnh. Một khi chẩn đoán xơ gan (sự thay thế mô gan bằng mô xơ, sẹo dẫn đến mất chức năng gan) được xác định thì tỉ lệ mắc ung thư gan tăng từ 1-4% mỗi năm [2].
Khoảng 90% bệnh nhân nhiễm viêm gan B cấp tính sẽ hồi phục hoàn toàn, hệ miễn dịch của cơ thể “dọn dẹp” hầu hết virus gây bệnh. Tuy nhiên, điều này lại không đúng với viêm gan C. Đa số những người nhiễm viêm gan C cấp tính sẽ tiến triển thành viêm gan mạn tính và cuối cùng dẫn đến xơ gan.
Phần lớn bệnh nhân viêm gan C giai đoạn cấp tính không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Nếu có, triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng từ sau 2 tuần đến 6 tháng sau khi bị nhiễm virus viêm gan C. Triệu chứng đó có thể: mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đau cơ; có thể gặp vàng da nhẹ, những triệu chứng giống như cảm cúm.
Tương tự như viêm gan B, phần lớn bệnh nhân viêm gan C mạn tính không có triệu chứng gì. Khi bệnh diễn tiến lâu ngày sẽ dẫn đến xơ gan, khi đó sẽ có những dấu hiệu như: gan to, lòng bàn tay son, dấu sao mạch, báng bụng, vàng da, xuất huyết.
Viêm gan C dẫn đến ung thư tế bào gan hay ung thư gan (hay thường được viết tắt là HCC) là một quá trình diễn tiến từ từ và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: thời gian nhiễm bệnh, kiểu gen của virus bị nhiễm. Khác với viêm gan B, ung thư gan trên những bệnh nhân mắc viêm gan C đa phần đều có xơ gan kèm theo. Do đó người ta cho rằng xơ gan mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư gan trên những bệnh nhân này. Câu hỏi đặt ra cho các nhà khoa học là: Liệu có đường sinh ung thư trực tiếp nào từ virus viêm gan C dẫn đến hình thành ung thư gan hay không? Câu trả lời tới giờ này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Một nghiên cứu thực hiện trên chuột ở Nhật Bản cho thấy, những con chuột mang đoạn gen của virus viêm gan C sẽ hình thành các u tuyến (adenomas) sau một thời theo dõi, các nhà khoa học phát hiện có tế bào ung thư gan ở trong các u tuyến đó [3].
Diễn tiến tự nhiên của viêm gan C
Hiện tại, chưa có vắc xin phòng ngừa viêm gan C. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất là giảm nguy cơ bị phơi nhiễm với virus viêm gan C. Dưới đây là một số khuyến cáo được đưa ra bởi WHO về phòng ngừa lây nhiễm viêm gan C:
Viêm gan C có thể gây ra viêm gan cấp tính hoặc viêm gan mạn tính. Khoảng 75-85% trường hợp nhiễm viêm gan C cấp tính sẽ chuyển sang viêm gan mạn tính. Không giống như viêm gan B, mục tiêu điều trị viêm gan C mạn tính là khỏi hoàn toàn. Thuốc kháng virus trực tiếp (DAAs) là nền tảng trong điều trị nhiễm viêm gan C. Trước khi điều trị, người bệnh cần được làm xét nghiệm xác định kiểu gen của HCV, việc này giúp Bác sĩ điều trị lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp và tiên lượng đáp ứng điều trị cho bạn. Ngoài ra người bệnh còn được đánh giá mức độ xơ hóa gan, chức năng gan, bệnh lý đi kèm, các chống chỉ định của thuốc…trước khi Bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bạn. Thời gian điều trị có thể từ 12-24 tuần tùy theo từng phác đồ. Khoảng 97-100% bệnh nhân được điều trị sẽ đạt được HCV âm tính và không có tái nhiễm lại [4].
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được theo dõi đáp ứng điều trị thông qua các xét nghiệm. Sau khi điều trị khỏi, người bệnh cũng cần được theo dõi để phát hiện các biến chứng sớm như ung thư gan nếu có bằng siêu âm bụng và xét nghiệm chỉ số AFP mỗi 3-6 tháng. Bác sĩ điều trị có thể đề nghị làm thêm một số xét nghiệm như ALP-L3, PIVKA-II để phát hiện sớm ung thư gan.
Viêm gan C là một bệnh lý lây truyền qua đường máu. Hầu hết các trường hợp nhiễm viêm gan C cấp tính đều chuyển sang mạn tính gây ra xơ gan và hình thành nên ung thư gan. Hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa viêm gan C. Tất cả các trường hợp viêm gan C mạn tính nên được điều trị đặc hiệu.
Chịu trách nhiệm nội dung: Hoàng Đình Kính -ThS. BSCK1 – Bác sĩ hóa trị, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM.
Góp ý nội dung:
Đặng Thị Lương, Ths.Bs, Đại học Y Hà Nội – Bệnh viện Da liễu Trung ương
Nguyễn Trương Đức Hoàng, Ths.Bs, Đại học Hiroshima, Nhật Bản
Nguyễn Hồng Vũ, TS, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA
Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 18/02/2020
Hoàng Đình Kính
Thành viên Ban Y học
BS nội trú BV Ung bướu TPHCM
Bộ môn Ung thư – ĐH Y dược TPHCM