Kiến Thức Ung ThưUng thư Tụy – Ung thư khó điều trị nhất hiện nay

Ung thư Tụy – Ung thư khó điều trị nhất hiện nay

1/ Tụy

Tụy (pancreas) là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, nằm gần lách (spleen). Tụy có hai chức năng chính (1) tiết các enzyme/men giúp tiêu hóa thức ăn (2) tiết ra hormone insulin, glucagon để điều tiếtmức đường trong cơ thể. Các enzym được tiết ra bởi các tế bào tụy ngoại tiết (exocrine panreas cells) và các hormone được tiết ra bởi các tế bào tụy nội tiết (endocrine pancreas cells).

ung-thu-tuy-1

Hình 1: Vị trí của tụy trong cơ thể.

(Hình lấy từ website: https://www.cancer.gov/types/pancreatic/patient/pancreatic-treatment-pdq)

 

2/ Ung thư tụy

Ung thư tụy có thể bắt nguồn từ các tế bào ngoại tiết hoặc tế bào nội tiết. Tuy nhiên phần lớn các ung thư tụy là có nguồn gốc từ tế bào ngoại tiết (khoảng 95%). Trong đó,tỉ lệ cao nhất là các ung thư bắt nguồn từ các tế bào cấu tạo lớp trong ống dẫn dịch tụy (ductal cells). Loại ung thư này được gọi tên là PDAC (Pancreatic ductal adenocarcinoma). Bài viết này chủ yếu bàn về loại ung thư này của ung thư tụy.

ung-thu-tuy-2

Hình 2: Cấu trúc của tụy.

(Hình được lấy từ website: https://www.pancreaticcancer.org.uk/types)

Điều đáng sợ là chỉ khoảng 6% bệnh nhân ung thư tụy có thể sống sót sau 5 năm tính từ khi bị chẩn đoán mắc bệnh. Đây là chỉ số thấp nhất so với các bệnh ung thư khác (theo số liệu ở Mỹ) và tỉ lệ này vẫn không tăng đáng kể cho đến nay mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện.

ung-thu-tuy-3

Hình 3: Tỉ lệ sống sót sau 5 năm của một số loại ung thư thường gặp.

 

3/ Các nguy cơ gây nên ung thư tụy

Hầu hết bệnh nhân bị chẩn đoán ung thư tụy có độ tuổi trên 50, tỉ lệ bị ung thư này cao nhất ở độ tuổi 70-80 (Kleeff et al., 2016).

Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ cao cho ung thư này. Người hút thuốc có khả năng bị ung thư tụy cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc.

Béo phì, tiểu đường và ít tập luyện thể thao cũng là một trong những yếu tố nguy cơ.

Ngoài ra, 10% bệnh nhân ung thư tụy cho thấy có ảnh hưởng từ gia đình do các đột biến gene BRCA2, BRCA1, CDKN2A, ATM, STK11, PRSS1, MLH1 and PALB2.

 

4/ Tại sao ung thư tụy lại khó điều trị?

4.1/ Rất khó phát hiện sớm

Nguyên nhân khó phát hiện sớm ung thư tụy là do trong giai đoạn sớm tụy thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện đặc trưng. Các triệu chứng như vàng da, nước tiểu đậm màu, đau bụng, sụt ký, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi,… thường giống với nhiều loại bệnh khác nên rất khó phân biệt.

Không giống các bệnh ung thư khác như ung thư vú, ung thư da, tuyến tiền liệt hoặc tinh hoàn, ung thư tụy chưa có các phương pháp kiểm tra đơn giản và hữu hiệu. Do vị trí của tụy nằm nấp dưới các cơ quan khác như bao tử/dạ dày, ruột non, gan, lách,… nên khó quan sát và cảm nhận.Ngay cả trong ung thư tụy, ung thư ở đuôi tụy khó phát hiện sớm hơn ung thư ở phần đầu tụy.

Các nghiên cứu vẫn chưa tìm ra các chất chỉ thị đặc hiệu (specific markers) và tin cậy (reliable) tiết ra từ tế bào ung thư tụy có thể phát hiện qua xét nghiệm máu (Oberstein PE, Olive KP, 2013). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, carbohydrate antigen 19-9 (CA19-9) được sử dụng như một xét nghiệm hỗ trợ  việc chẩn đoán qua xét nghiệm máu. Các tế bào ung thư tụy thường tiết ra nhiều CA19-9 nhưng chất này cũng được tìm thấy ở những loại ung thư khác như ruột, gan hoặc thậm chí ở những bệnh khác ung thư như bị viêm tụy hoặc xơ gan. Do tỉ lệ dương tính giả còn khá cao nên xét nghiệm CA19-9 vẫn chưa được xem là một xét nghiệm tin cậy.

4.2/ Các phương pháp điều trị tại chỗ (local therapy) còn rất hạn chế

Hiện nay, phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u là phương pháp duy nhất để điều trị ung thư tụy hiệu quả.Tuy nhiên, chỉ một phần rất nhỏ bệnh nhân ung thư tụyđược phát hiện ở giai đoạn khối u có thể cắt bỏ  (Shaib et al., 2006). Nguyên nhân là do hầu hết các ca bệnh khi được chẩn đoán thì khối u đã xâm lấn các mạch máu quan trọng gần đó hoặc di căn đến các cơ quan khác.

Do tỉ lệ tái phát của ung thư tụy là rất cao, các phương pháp xạ trị tại chỗ thường được điều trị kết hợp sau phẫu thuật (Neoptolemos et al, 2010). Tuy nhiên, kết quả phân tích thống kê cho thấy hiệu quả của việc xạ trị sau phẫu thuật vẫn chưa thật sự thuyết phục. Nồng độ oxy thấp là một nguyên nhân quan trọng, do hiệu quả của xạ trị phụ thuộc nhiều vào nồng độ oxy có trong mô mà khối u tụy thường có ít oxy hơn bình thường(Harrison, 2002).

Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy tế bào ung thư tụy có thể bắt đầu di căn khi khối u còn rất nhỏ (kích thước vài micro mét), tức là trong giai đoạn rất sớm. Trong một nghiên cứu trên chuột năm 2012, Rhim và cộng sự đã cho thấy tế bào ung thư tụy bắt đầu tách khỏi mô tụy vào máu để đến các cơ quan khác từ giai đoạn rất sớm trong quá trình hình thành ung thư. Đặc điểm này khiến cho việc loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư bằng phẫu thuật là rất khó.

4.3/ Các thuốc hóa trị thường dùng ít hoặc không có tác dụng trên ung thư tụy

Nguyên nhân từ tế bào ung thư tụy (cell-autonomous):

Các tế bào ung thư tụy có một đặc điểm rất riêng là chúng đều có sự biến đổi ở 4 vị trí gene (genetic loci): K-ras, p53, cdkn2a và smad4/DPC4. Trong đó K-ras là oncogene và 3 vị trí gene còn lại p53, cdkn2a và smad4/DPC4 là tumor suppressor gene. Oncogene là gene kích hoạt ung thư, trong khi tumor suppressor gene là gene liên quan đến việc ức chế ung thư.

ung-thu-tuy-4

Hình 4:Sự đột biến 4 gene quan trọng trong quá trình ung thư tụy.

(Hình lấy từ bài báo chuyên ngành “Bryant, Kirsten L. et al, 2014)

Đột biến K-ras được tìm thấy trong hơn 90% trường hợp ung thư tụy;tỉ lệ này vượt xa ở các loại ung thư khác (Hezel et al., 2006). Đột biến K-ras được xem là một loại đột biến rất nguy hiểm trong điều trị ung thư. Đột biến K-ras làm kích hoạt các con đường truyền tín hiệu trong tế bào dẫn đến thúc đẩy tế bào tăng sinh, xâm lấn và di căn. Hơn nữa, đột biến K-ras gây nên sự hình thành cấu trúc đặc, phức tạp ở ngoại bào (stromal desmoplasia). Đây vẫn là một trở ngại rất lớn hiện nay vì khoa học vẫn chưa tìm ra chất ức chế hiệu quả các quá trình này.

Ngoài ra, người ta còn tìm thấy trong ung thư tụy hơn 90% có đột biến trên vị trí gene cdkn2a mã hóa cho 2 gene ức chế ung thư là p16 và p15 (Caldas et al., 1994), 75-90% có đột biến gene ức chế ung thư p53 (Redston et al., 1994). Sự đột biến ởcác gene này sẽ làm tế bào không còn nhạy cảm với sự hư hỏng của DNA,làm tích lũy nhiều đột biến gene hơn trong tế bào, làm mất khả năng kiểm soát chu kỳ phân chia tế bào và làmnhiễm sắc thể không còn ổn định.

Đột biến trên vị trí gene DPC4 được tìm thấy trên 50% các trường hợp ung thư tụy (Hahn et al., 1996a, 1996b). Đột biến này cho thấy sự gia tăng khả năng di căn sớm của tế bào ung thư.

Do vậy, sự kết hợp đột biến của 4 vị trí gene này tạo ra một thách thức rất lớn cho việc điều trị ung thư tụy. Bệnh nhân được chẩn đoán có 3 hoặc 4 loại đột biến này cùng lúc sẽ có tiên lượngxấu hơn nhiều so với người chỉ có 1 hoặc 2 đột biến (tỉ lệ sống sót trung bình của 2 trường hợp này là 9 tháng so với 23 tháng) (Yachida et al., 2012).

Ngoài 4 vị trí gene quan trọng kể trên, một nghiên cứu khác với nổ lực giải trình tự toàn bộ các gene mã hóa protein (entire exome sequencing) từ 24 mẫu ung thư tụyđã cho thấy trung bình có hơn 60 vùng gene bị biến đổi (Jones et al., 2008). Trong đó có vùng gene được cho là có liên quan đến sự kháng thuốc hóa trị. Ngoài ra, sự thiếu ổn định của bộ gene còn cho thấy việc điều trị bằng các thuốc trúng đích sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tế bào có khả năng trở nên đột biến và kháng lại thuốc đó sau một thời gian sử dụng.

Gemcitabine là một loại thuốc thường được sử dụng trong ung thư tụy có đặc điểm cấu trúc tương đồng với cytidine, một loại nucleotide cần thiết trong việc tổng hợp chuỗi DNA trong tế bào. Tuy nhiên, theo thống kê thì chỉ có 5-10% người bệnh ung thư tụy có đáp ứng với thuốc này. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy thuốc này cần được đưa vàotrong tế bào qua một kênh trên màng tên là hENT1 (human equilibrative nucleoside transporter). Các kênh này thường bị khiếm khuyết hoặc không hình thành ở các dòng tế bào kháng thuốc Gemcitabine (Achiwa et al., 2004). Điều này giúp đánh giá sớm kết quả điều trị dựa trên sự biểu hiện của kênh này trong cơ thể người bệnh.

Ngoài kênh hENT1 nói trên, các enzyme trong tế bào cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị bằng Gemcitabine. Sự phospho hóa Gemcitabine là phản ứng quan trọng để hoạt hóa thuốc này khi vào trong tế bào được thực hiện bởi enzyme tên là deoxycytidine kinase (dCK) (Achiwa et al., 2004). Việc giảm biểu hiện của gene này trong tế bào cũng là một nguyên nhân gây nên sự kháng thuốc. Ngược lại, sự tăng hoạt tính của enzyme cytidine deaminase (CDA) làm phân giải và làm mất hoạt tính Gemcitabine (Eliopoulos et al., 1998).

Nguyên nhân ở bên ngoài tế bào ung thư (Non-cell-autonomous)

Một trong những đặc trưng riêng của ung thư tụy là các cấu trúc ngoại bào (Extracellular Matrix) bao quanh khối u tụy rất dày đặc (desmoplasia) so với các loại ung thư khác (Neesse et al., 2011). Các cấu trúc này hình thành bởi nhiều loại tế bào như bạch cầu, tế bào sợi, tế bào nội mạc, tế bào thần kinh và các thành phần khác như collagen và hyaluronan. Hiện tượng này được cho là có liên quan đến hoạt động của gene K-ras đã được bàn ở trên. Các cấu trúc này là nguyên nhân chính làm cản trở các loại thuốc hóa trị tiếp xúc với tế bào ung thư.

ung-thu-tuy-5

Hình 5: Cấu trúc ngoại bào của ung thư tụy.

(Hình lấy từ bài báo chuyên ngành:“Ryan M Carr& Martin E Fernandez‐Zapico, 2016)

Ngược lại với các loại ung thư khác, sự hình thành và phân bố mạch máu trong khối u của ung thư tụy rất ít so với các mô bình thường. Việc này làm hạn chế rất nhiều việc đưa các thuốc điều trị đến khối u tụy (Olive et al., 2009). Thí nghiệm khảo sát sự phân bố khi chích hai loại thuốc khác nhau Gemcitabine và Doxorubicin trên chuộtcho thấy các thuốc này đến khối u tụy chỉ bằng 1/3 so với các mô thường. Một hệ quả khác của hiện tượng này là sự hình thành môi trường yếm khí (ít oxy, hypoxia) dẫn đến hiệu quả kém trong điều trị bằng xạ trị.

Ngoài ra, môi trường khối u tụy còn làm ức chế miễn dịch, đặc biệt làm bất hoạt các tế bào lympho T. Các tế bào góp phần gây nên hiện tượng này thườnglà các đại thực bào gắn kết với ung thư (tumor associated macrophages, TAMs), các sợi bào gắn kết với ung thư (cancer associated fibroblasts, CAFs), các tế bào T điều hòa (regulatory T cells, Treg) và các tế bào kìm hãm có nguồn gốc từ tế bào myeloid (myeloid derived suppressor cells). Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho thấy sự đột biến K-ras cũng góp phần vào hiện tượng ức chế miễn dịch này (Bayne et al., 2012).

 

5/ Các nghiên cứu về chẩn đoán và điều trị ung thư tụy trong tương lai

5.1 Chẩn đoán

Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh đang được nghiên cứu và phát triển để có thể phát hiện ung thư tụy sớm hơn. Các phương pháp MRI cải tiến như diffusion weighted imaging (DWI) hoặc dynamic contrast enhanced (DCE) dựa trên sự thay đổi trong sự lưu thông máu (perfusion) để phân biệt được khối u trong tụy với các mô thường hoặc mô bị viêm (inflamation) (Wiggermann et al., 2012; Yao et al., 2012). Các phương pháp siêu âm nội soi cũng đang được nghiên cứu cải tiến như siêu âm tương phản (contrast ultrasound) đo mức thay đổi trong sự lưu thông máu (perfusion), hoặc ultrasound elastrography có thể đo độ cứng (stiffness) của mô (Sakamoto et al., 2008; D’Onofrio et al., 2009).

Do nhu cầu cần các phương pháp chẩn đoán nhanh, tiện lợi và chính xác nên cho dù chưa đạt được nhiều kết quả mong đợi nhưng phương pháp chẩn đoán ung thư tụy từ các chất chỉ thị đặc hiệu (specific markers) vẫn đang được quan tâm và nghiên cứu rất nhiều. Năm 2017, nhóm nhà khoa học ở đại học Pennsylvania đã nghiên cứu kết hợp việc đo hai yếu tố trong máu là THBS2 (thrombospondin-2) and CA19-9 và cho thấy kết quả ban đầukhá khả quan:99% kết quả âm tính trong nhóm người không mắc bệnh và 87% dương tính trong nhóm người mắc bệnh (Kim et al., 2017). Gần đây, nhóm nghiên cứu của đại học Johns Hopkins cũng công bố phương pháp chẩn đoán với tên gọi là CancerSEEK dựa trên các protein và DNA trong máu với hy vọng có thể nghi ngờ sớm được 8 loại ung thư cùng lúc trong đó có ung thư tụy (Cohen et al., 2018).

5.2 Điều trị

Một số nghiên cứu đánh giá những cách xạ trị mới. Trong những năm qua, phương pháp xạ trị trong ca mổ (intraoperative radiotherapy), tức chiếu một lượng xạ lớn trực tiếp lên vùng có nguy cơ còn tế bào ung thư trong khi phẫu thuật có những kết quả triển vọng và làm giảm tối thiểu ảnh hưởng xấu đến các cơ quan chung quanh so với xạ trị thông thường (Krempien & Roeder, 2017). Xạ trị với tia proton, một loại bức xạ đặc biệt ít gây tổn thương cho tế bào lành xung quanh, cũng đang được chú ý nghiên cứu (Nichols et al., 2015).

Can thiệp lên môi trường dày đặc quanhkhối u là một trong những hướng đang được quan tâm nhiều. PEGPH20 là một dạng enzyme được cải tiến để có thể phá vỡ các cấu trúc của thành phần hyaluronan giúp các loại thuốc điều trị dễ tấn công vào các tế bào ung thư tụy (Jacobetz et al., 2013). Phương pháp này đang được thử nghiệm lâm sàng kết hợp với các thuốc điều trị như Gemcitabine.

Ức chế gamma-secretase bằng thuốc RO4929097 (Hoffman La Roche) đang được thử nghiệm để làm giảm tối đa sự hình thành mạch máu trong khối u tụy, làm hình thành các vùng hoại tử lớn trong khối u và kéo dài sự sống người bệnh.

Kết hợp Gemcitabine với Abraxane, một dạng hạt nano gắn kết với taxol, đã cho thấy hiệu quả khá tốt trong thử nghiệm lâm sàng khi kéo dài sự sống của người bệnh lên khoảng 12.2 tháng (von Hoff et al., 2011).

Các phương pháp điều trị miễn dịch (immunotherapy) cũng đang được thử nghiệm như sử dụng kháng thể (antibody) để ức chế GM-CSF, một chất truyền tín hiệu giúp duy trì sự ức chế tế bào miễn dịch trong khối u (Pylayeva et al., 2012) hoặc sử dụng chất bám vào CD40 (CD40 agonist) để làm tăng phản ứng miễn dịch (Beatty et al., 2011).

Một hướng điều trị mới nữa là tác động lên tế bào gốc ung thư (cancer stem cells). Các tế bào gốc này hiện diện như một phần trong khối u, tuy nhiên chúng đóng vai trò quan trọngtrong việc thúc đẩy sự tăng sinh của khối u, di căn và kháng thuốc. Hiện nay có nhiều nhóm nghiên cứu tìm ra các hợp, kháng thể chất để tấn công trực tiếp nhóm tế bào gốc này trong khối u và đang có những kết quả khả quan (Marcucci, 2016).

 

Chịu trách nhiệm thông tin:

  1. TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA.
  2. BS. TS. Phạm Nguyên Quý, Kyoto Miniren Central Hospital, Japan.

Lần cuối xem xét: 24/01/2018

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.wakehealth.edu/Comprehensive-Cancer-Center/Facts-About-Pancreatic-Cancer.htm
  2. https://www.cancer.gov/types/pancreatic/patient/pancreatic-treatment-pdq
  3. https://www.pancreaticcancer.org.uk
  4. https://www.mskcc.org/blog/why-pancreatic-cancer-so-hard-treat
  5. https://www.sciencedaily.com/releases/2017/02/170223124234.htm
  6. https://www.cancer.net/cancer-types/pancreatic-cancer/diagnosis
  7. https://www.facebook.com/ruybangtimchamcom/posts/1822906671367997
  8. Achiwa, H., Oguri, T., Sato, S., Maeda, H., Niimi, T. and Ueda, R. (2004) Determinants of sensitivity and resistance to gemcitabine: the roles of human equilibrative nucleoside transporter 1 and deoxycytidine kinase in non-small cell lung cancer. Cancer Sci 95: 753–757.
  9. Bayne, L., Beatty, G., Jhala, N., Clark, C., Rhim, A., Stanger, B. et al. (2012) Tumor-derived granulocyte-macrophage colony-stimulating factor regulates myeloid inflammation and T cell immunity in pancreatic cancer. Cancer Cell 21: 822–835.
  10. Beatty, G., Chiorean, E., Fishman, M., Saboury, B., Teitelbaum, U., Sun, W. et al. (2011) CD40 agonists alter tumor stroma and show efficacy against pancreatic carcinoma in mice and humans. Science 331: 1612–1616.
  11. Bryant, Kirsten L. et al (2014) KRAS: feeding pancreatic cancer proliferation. Trends in Biochemical Sciences, 39: 91-100.
  12. Caldas, C., Hahn, S., Da Costa, L., Redston, M., Schutte, M., Seymour, A. et al. (1994) Frequent somatic mutations and homozygous deletions of the P16 (Mts1) gene in pancreatic adenocarcinoma. Nat Genet 8: 27–32.
  13. Cohen et al. (2018) Detection and localization of surgically resectable cancers with a multi-analyte blood test. Science 18: eaar3247
  14. D’Onofrio, M., Zamboni, G., Malago, R., Mantovani, W., Principe, F., Gallotti, A. et al. (2009) Resectable pancreatic adenocarcinoma: is the enhancement pattern at contrast-enhanced ultrasonography a pre-operative prognostic factor? Ultrasound Med Biol 35: 1929–1937.
  15. Eliopoulos, N., Cournoyer, D. and Momparler, R. (1998) Drug resistance to 5-aza-2′-deoxycytidine, 2′,2′-difluorodeoxycytidine, and cytosine arabinoside conferred by retroviral-mediated transfer of human cytidine deaminase cDNA into murine cells. Cancer Chemother Pharmacol 42: 373–378.
  16. Hahn, S., Hoque, A., Moskaluk, C., Da Costa, L., Schutte, M., Rozenblum, E. et al. (1996a) Homozygous deletion map at 18q21.1 in pancreatic cancer. Cancer Res 56: 490–494.
  17. Hahn, S., Schutte, M., Hoque, A., Moskaluk, C., Da Costa, L., Rozenblum, E. et al. (1996b) DPC4, a candidate tumor suppressor gene at human chromosome 18q21.1. Science 271: 350–353.
  18. Hezel, A., Kimmelman, A., Stanger, B., Bardeesy, N. and Depinho, R. (2006) Genetics and Biology of pancreatic ductal adenocarcinoma. Genes Dev 20: 1218–1249.
  19. Jacobetz, M., Chan, D., Neesse, A., Bapiro, T., Cook, N., Frese, K. et al. (2013) Hyaluronan impairs vascular function and drug delivery in a mouse model of pancreatic cancer. Gut 62: 112–120.
  20. Jones, S., Zhang, X., Parsons, D., Lin, J., Leary, R., Angenendt, P. et al. (2008) Core signaling pathways in human pancreatic cancers revealed by global genomic analyses. Science 321: 1801–1806.
  21. Kim et al. (2017) Detection of early pancreatic ductal adenocarcinoma with thrombospondin-2 and CA19-9 blood markers. Science Translational Medicine 9: eaah5583.
  22. Kleeff et al. (2016). Pancreatic cancer. Nature Reviews Disease Primers 2: doi:10.1038/nrdp.2016.22
  23. Marcucci F, Rumio C, Lefoulon F (2016) Anti-Cancer Stem-like Cell Compounds in Clinical Development – An Overview and Critical Appraisal. Frontiers in Oncology. 6: 115.
  24. Neesse, A., Michl, P., Frese, K., Feig, C., Cook, N., Jacobetz, M. et al. (2011) Stromal biology and therapy in pancreatic cancer. Gut 60: 861–868.
  25. Neoptolemos, J., Stocken, D., Bassi, C., Ghaneh, P., Cunningham, D., Goldstein, D. et al. (2010) Adjuvant chemotherapy with fluorouracil plus folinic acid vs gemcitabine following pancreatic cancer resection: a randomized controlled trial. JAMA 304: 1073–1081.
  26. Nichols RC, Huh S, Li Z, Rutenberg M. (2015) Proton therapy for pancreatic cancer.World J Gastrointest Oncol7(9):141-7.
  27. Oberstein PE, Olive KP. (2013) Pancreatic cancer: why is it so hard to treat? Therap Adv Gastroenterol. 6: 321-37.
  28. Olive, K., Jacobetz, M., Davidson, C., Gopinathan, A., Mcintyre, D., Honess, D. et al. (2009) Inhibition of hedgehog signaling enhances delivery of chemotherapy in a mouse model of pancreatic cancer. Science 324: 1457–1461
  29. Pylayeva-Gupta, Y., Lee, K., Hajdu, C., Miller, G. and Bar-Sagi, D. (2012) Oncogenic Kras-induced GM-CSF production promotes the development of pancreatic neoplasia. Cancer Cell 21: 836–847.
  30. Redston, M., Caldas, C., Seymour, A., Hruban, R., Da Costa, L., Yeo, C. et al. (1994) P53 mutations in pancreatic carcinoma and evidence of common involvement of homocopolymer tracts in DNA microdeletions. Cancer Res 54: 3025–3033.
  31. Rhim, A., Mirek, E., Aiello, N., Maitra, A., Bailey, J., Mcallister, F. et al. (2012) EMT and dissemination precede pancreatic tumor formation. Cell 148: 349–361.
  32. Robert Krempienand Falk Roeder (2017) Intraoperative radiation therapy (IORT) in pancreatic cancer. Radiation Oncology 12:8.
  33. Ryan M Carr, Martin E Fernandez‐Zapico (2016) Pancreatic cancer microenvironment, to target or not to target? EMBO Molecular Medicine, 8: 80-82.
  34. Sakamoto, H., Kitano, M., Suetomi, Y., Maekawa, K., Takeyama, Y. and Kudo, M. (2008) Utility of contrast-enhanced endoscopic ultrasonography for diagnosis of small pancreatic carcinomas. Ultrasound Med Biol 34: 525–532.
  35. Shaib, Y., Davila, J. and El-Serag, H. (2006) The epidemiology of pancreatic cancer in the United States: changes below the surface. Aliment Pharmacol Ther 24: 87–94.
  36. Von Hoff, D., Ramanathan, R., Borad, M., Laheru, D., Smith, L., Wood, T. et al. (2011) Gemcitabine plus nab-paclitaxel is an active regimen in patients with advanced pancreatic cancer: a phase I/II trial. J Clin Oncol 29: 4548–4554.
  37. Wiggermann, P., Grutzmann, R., Weissenbock, A., Kamusella, P., Dittert, D. and Stroszczynski, C. (2012) Apparent diffusion coefficient measurements of the pancreas, pancreas carcinoma, and mass-forming focal pancreatitis. Acta Radiol 53: 135–139.
  38. Yachida, S., White, C., Naito, Y., Zhong, Y., Brosnan, J., Macgregor-Das, A. et al. (2012) Clinical significance of the genetic landscape of pancreatic cancer and implications for identification of potential long term survivors. Clin Cancer Res 18: 6339–6347.
  39. Yao, X., Zeng, M., Wang, H., Sun, F., Rao, S. and Ji, Y. (2012) Evaluation of pancreatic cancer by multiple breath-hold dynamic contrast-enhanced magnetic resonance imaging at 3.0T. Eur J Radiol 81: e917–922.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm