Ung thư là nỗi đáng sợ với nhiều người hiện nay vì tỉ lệ mắc bệnh ngày càng tăng nhưng chưa có biện pháp điều trị triệt để đối với nhiều loại ung thư.
Theo ghi nhận của Globocan 2012 (Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu) thì trên toàn thế giới có 14.1 triệu người mới mắc ung thư mỗi năm, tăng gần 2 triệu người so với năm 2008 chứng tỏ tốc độ mắc ung thư đang tăng cao và được dự đoán sẽ tăng nhanh hơn nữa trong tương lai. Vậy tại sao lại càng ngày có nhiều người mắc ung thư? Cái gì làm tốc độ mắc bệnh ung thư tăng nhanh vậy? Có phải một phần do ung thư lây từ người này qua người khác hay không?
Khoa học đã chứng minh rằng Ung thư không phải là một bệnh truyền nhiễm, tức là một người khỏe mạnh không thể bị lây ung thư từ một người khác. Không có bằng chứng nào cho thấy việc tiếp xúc gần như quan hệ tình dục, hôn, ôm, ăn chung hay thở chung một bầu không khí có thể làm lan truyền tế bào ung thư từ người này qua người khác.
Tại sao ung thư không lây?
Điều ở trên cũng hoàn toàn hợp lý với hoạt động sinh lý của cơ thể con người. Tế bào ung thư từ người này sẽ là vật thể lạ đối với cơ thể người khác. Chỉ cần một vật thể lạ, khi xâm nhập vào cơ thể của con người thì hệ thống miễn dịch của chính cơ thể người đó sẽ nhận diện và tiêu diệt vật thể ấy do đó tế bào ung thư từ một người thông thường, sẽ không thể tồn tại được trong cơ thể của người khác.
Đó là đối với một người khỏe mạnh, có hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả, còn những người mà hệ thống miễn dịch bị suy yếu thì sao?
Có một số trường hợp ở những người được ghép tạng từ người mắc ung thư có thể cũng bị mắc ung thư sau đó. Yếu tố chính gây ra tình trạng này là do ở những người được ghép tạng, họ cần phải sử dụng thuốc để làm suy yếu chính hệ miễn dịch của họ để chúng không thể tấn công và tiêu diệt tạng được ghép – vốn cũng là một vật thể lạ với cơ thể. Và có giả thuyết cho rằng nếu tạng được ghép có mang tế bào ung thư thì có thể sẽ gây ung thư cho người được ghép tạng. Do đó trước khi ghép tạng, tạng được ghép luôn được kiểm tra hết sức kĩ càng.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ mắc ung thư cao hơn ở những người được ghép tạng so với những người không, thậm chí cả khi tạng được ghép không hề bị ung thư. Những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng hệ miễn dịch bị ức chế càng lâu, càng mạnh thì nguy cơ mắc ung thư càng cao, vì hệ miễn dịch bị làm cho có thể chấp nhận được tạng ghép thì khả năng nhận diện và tấn công tế bào ung thư hay các virus gây ung thư cũng sẽ kém đi.
Còn trường hợp phụ nữ mang thai mắc ung thư thì ung thư có lây truyền từ mẹ sang con hay không?
Câu trả lời là ở những người phụ nữ mang thai, ung thư hiếm khi ảnh hưởng trực tiếp đến bào thai. Một số loại ung thư có thể truyền từ mẹ sang con thông qua nhau thai nhưng hầu hết đều không ảnh hưởng đến bào thai. Chỉ có một số trường hợp rất hiếm gặp, melanoma (ung thư tế bào hắc tố da) đã được tìm thấy đi qua nhau thai và đến bào thai.
Ung thư do tác nhân nhiễm trùng. Nhiễm trùng thì lây nhưng ung thư thì không.
Một số loại vi khuẩn, virus hay kí sinh trùng là nguyên nhân hay làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Mà các loại này có thể lan truyền từ người này sang người khác thông qua các tiếp xúc thân mật như quan hệ tình dục, hôn, ăn chung…
Một số loại vi khuẩn, virus, kí sinh trùng đó như:
– HPV (Human Papilloma Virus) có liên quan đến ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, tinh hoàn hay một số ung thư ở đầu cổ.
– EBV (Epstein-Barr Virus) liên quan đến ung thư mũi họng, lymphoma của dạ dày, Hodgkin lymphoma…
– Virus viêm gan B và C liên quan đến ung thư gan.
– Vi khuẩn Helicobacter pylori có liên quan đến ung thư dạ dày
Quá trình viêm nhiễm mãn tính các tác nhân nhiễm trùng trên gây đột biến trong gen, thay đổi trong tế bào của cơ thể. Tuy nhiên không phải cứ nhiễm những tác nhân truyền nhiễm trên là 100% sẽ mắc ung thư. Ung thư là sự tương tác giữa nội mô của cơ thể và môi trường (bao gồm các tác nhân nhiễm trùng trên, môi trường sống, lối sống…)
Có đại dịch ung thư hay không?
Nếu ung thư là một bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người này qua người khác thì hẳn chúng ta đã có các trận đại dịch thế kỉ như các bệnh: cúm, thủy đậu, bại liệt…Và những người có người thân mắc ung thư hay nhân viên y tế hằng ngày chăm sóc chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư chắc hẳn cũng đã dễ dàng mắc ung thư. Nhưng sự thật không phải như vậy vì ung thư không lây.
Vậy tại sao trong một gia đình có người mắc ung thư, người thân có khả năng mắc ung thư cao hơn?
Sự thật là không phải vì do ung thư lây từ người này như người khác mà là do những thành viên trong gia đình có chung nguồn gen, thường chung một lối sống và chung phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ gây ung thư nên làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Nói tóm lại, khoa học đã chỉ ra Ung thư không phải là một bệnh truyền nhiễm, ung thư không lây.
Thông điệp từ Ruy Băng Tím
Những người mắc bệnh ung thư cần nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ những người xung quanh. Đừng xa lánh họ vì ung thư hoàn toàn không thể lây. Bệnh nhân ung thư luôn cần được quan tâm hơn và hỗ trợ hơn nữa về mọi mặt.
Lần cuối xem xét khoa học: 23/5/2017
Tài liệu tham khảo
1. Is Cancer Contagious? – American Cancer Society.
2. Globocan 2008 và 2012
2. Globocan 2008 và 2012