Tin đồn & Sự thậtThực dưỡng Ohsawa có phải phương pháp thần kì trị ung thư?

Thực dưỡng Ohsawa có phải phương pháp thần kì trị ung thư?

Mời nghe audio tại đây:   Thực dưỡng (tiếng Anh: macrobiotic diet – bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp macro – lớn và bio – sự sống), hay còn được biết đến ở Việt Nam với tên gọi Thực dưỡng Ohsawa/gạo lứt muối mè, là một chế độ dinh dưỡng được thực hành phổ biến và được cho là có thể phòng ngừa và chữa nhiều bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Với trọng tâm sử dụng thực phẩm có thành phần gồm ngũ cốc nguyên cám (ở Việt Nam là gạo lứt), rau củ quả, hạn chế thịt và thực phẩm chế biến [1,2] cùng với những câu chuyện phục hồi của các bệnh nhân ung thư có tiên lượng xấu, thực dưỡng nhận được sự quan tâm của nhiều bệnh nhân trong việc lựa chọn chế độ dinh dưỡng trong điều trị. Qua bài viết dưới đây, chúng tôi mong làm rõ về hiệu quả của thực dưỡng dưới con mắt khoa học trong phòng ngừa và điều trị ung thư. 1. Lược sử và các nguyên tắc cơ bản của thực dưỡng Thực dưỡng được giới thiệu vào thế kỷ 18 bởi bác sĩ người Đức Christophe Hufeland với niềm tin rằng chế độ dinh dưỡng chú trọng thực phẩm chay sẽ giúp kéo dài tuổi thọ và đảm bảo sức khỏe, và được phổ biến rộng rãi vào thập niên 60 bởi triết gia người Nhật George Ohsawa[*] cùng với môn đệ của ông, Michio Kushi [2]. Chế độ ăn uống thực dưỡng dựa trên nguyên lý âm-dương với nguyên tắc cơ bản rằng, tiêu thụ thực phẩm theo quân bình âm-dương, hòa hợp với thiên nhiên sẽ giúp con người sống thọ hơn và tránh bệnh tật. Ohsasa viết “Không có bệnh nào chữa được đơn giản hơn là ung thư bằng cách trở về với việc ăn uống cơ bản và tự nhiên nhất”. Phác đồ thực dưỡng của Ohsawa bao gồm 10 các giai đoạn hạn chế dần dần với giai đoạn thứ 10 là chế độ ăn uống chỉ gồm nước và gạo lứt [3]. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1960, biến chứng nghiêm trọng xảy ra ở những người đang theo chế độ ăn của Ohsawa. Hội đồng Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ về Thực phẩm và dinh dưỡng (American Medical Association’s Council on Foods and Nutrition) đã báo cáo những trường hợp của bệnh Scobut, thiếu máu, tăng protein trong máu, hạ calci máu, xuất huyết và suy dinh dưỡng, suy thận, và thậm chí tử vong ở những người thực hành chế độ thực dưỡng (1984) [4]. Chế độ ăn thực dưỡng sau đó đã bị bài bác. Sau đó, Kushi xuất bản một số sách về chế độ thực dưỡng với những điều chỉnh bớt khắc khổ hơn với tuyên bố rằng thực hành theo chế độ này sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư [1]. Chế độ này bao gồm tiêu thụ thực phẩm với 40% –60% ngũ cốc nguyên hạt (hữu cơ trồng và nấu tại nhà) 20% –30% rau và 5% –10% đậu, các sản phẩm từ đậu và rau biển. Một lượng nhỏ cá, hạt hoặc quả hạch và được trồng tại địa phương & trái cây theo mùa được cho phép hàng tuần. Thịt đỏ, gia cầm, trứng và sản phẩm sữa chỉ được cho phép ăn một lượng rất nhỏ hằng tháng. Đường tinh chế, chất làm ngọt nhân tạo, vitamin và khoáng chất bổ sung và các loại phụ gia hóa học cần phải tránh [2] 2. Tại sao thực dưỡng trở thành một chế độ dinh dưỡng phổ biến? Những thành phần thực phẩm trong thực dưỡng, về cơ bản, là tốt cho sức khỏe và có mối liên hệ tới phòng ngừa ung thư. Ngũ cốc nguyên cám và rau củ, trọng tâm của chế độ thực dưỡng, được cho thấy có sự liên hệ với giảm thiểu nguy cơ ung thư đại trực tràng, dạ dày và nội mạc tử cung [5]. Theo báo cáo của American Institute for Cancer Research and World Cancer Research Fund (1997), tăng tiêu thụ rau và trái cây từ 250 đến 400 g/ngày có thể làm giảm 23% nguy cơ ung thư [6]. Thịt đỏ, một loại thực phẩm được giảm thiểu trong thực dưỡng có mối liên hệ với nhiều bệnh ung thư như ung thư đại tràng, trực tràng, tuyến tiền liệt và tuyến tụy [2]. Sự liên hệ giữa thành phần thực phẩm của chế độ thực dưỡng và nguy cơ ung thư dễ dẫn đến suy luận rằng thực dưỡng giúp phòng ngừa ung thư, nhưng trên thực tế, chưa có đủ bằng chứng và báo cáo tổng hợp cho thấy thực hành thực dưỡng có thể phòng ngừa ung thư [2,6]. 3. Thực dưỡng có hiệu quả trong điều trị ung thư không? Đối với người bệnh ung thư, chưa có bằng chứng cho thấy việc sử dụng chế độ thực dưỡng có hiệu quả trong chữa trị ung thư mà ngược lại, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư dẫn đến suy nhược cơ thể [7]. Suy dinh dưỡng là một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân ung thư, dẫn đến nhập viện kéo dài, giảm đáp ứng với điều trị ung thư, tăng tác dụng phụ của điều trị, chất lượng cuộc sống bị suy giảm và tiên lượng xấu hơn [7,8]. Người bệnh, do đó, cần đảm bảo chế độ ăn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng gồm đạm, đường và tinh bột, chất béo, nước, vitamin và khoáng cần thiết để đáp ứng cân nặng (weight and lean body mass) và lượng calorie cần thiết [6]. Chỉ có duy nhất bằng chứng cho thấy chế độ ăn giảm chất béo có thể giúp phòng ngừa tái phát cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn đầu [9]. Tuy vậy, việc đảm bảo cân nặng, calorie nạp vào và các chất dinh dưỡng còn lại vẫn cần thiết. Một nghiên cứu tổng hợp so sánh thực dưỡng với chế độ ăn bình thường [10] cho thấy: chế độ thực dưỡng thiên lệch nhiều về gạo lứt và hạn chế thực phẩm cung cấp nhiều đạm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu tương dẫn đến việc thiếu hụt lượng calorie, đạm, vitamin D, vitamin B1, B2, B3, B12 (quan trọng cho hình thành tế bào hồng cầu, tổng hợp DNA, thiếu vitamin B12 có thể dẫn tới mất vị giác, khứu giác, làm ăn uống không ngon, từ đó tiếp tục làm suy dinh dưỡng ở bệnh nhân) và canxi (quan trọng cho sức khỏe tim mạch và xương) cần thiết cho cơ thể [10]. Hơn thế nữa, chế độ ăn uống thực dưỡng có nhiều lượng muối natri và phosphor nạp vào cơ thể, dẫn tới các nguy cơ về xương và tim mạch, làm giảm sức khỏe bệnh nhân và chất lượng sống. Do đó, chế độ thực dưỡng không được khuyến khích bởi bác sĩ ung thư, chuyên gia dinh dưỡng và các tổ chức ung thư [7,11]. Chúng tôi xin đưa ra kết luận rằng không có bằng chứng cho thấy thực dưỡng có hiệu quả trong điều trị ung thư, và những bằng chứng liên quan tới phòng ngừa ung thư của thực dưỡng là chưa đủ. Thậm chí, việc giới hạn chỉ còn gạo lứt muối mè làm nguồn thức ăn chính (ở bậc 10 của thực dưỡng) có thể dẫn đến thiếu đi lượng và chất dinh dưỡng quan trọng để đảm bảo sức khỏe trong quá trình điều trị. Người bệnh nên dựa theo hướng dẫn của bác sĩ và đội ngũ y tế để lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất cho bản thân, với điều kiện đầy đủ lượng và chất để đáp ứng điều trị tốt hơn. Đối với người khỏe mạnh, khi thực hành thực dưỡng cần cân nhắc và điều chỉnh khi áp dụng để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Thông tin thêm: Ohsawa – tên khai sinh Nyoichi Sakurazawa – được sinh ra ở Nhật bản vào năm 1893 và chuyển sang sống tại Paris vào khoảng thế chiến thứ 2. Trái với hiểu nhầm của nhiều người, George Ohsawa không phải giáo sư cũng như không được đào tạo chính quy trong khoa học và y tế. Ông dành phần lớn cuộc đời viết sách và phổ biến về triết lý và lối sống thực dưỡng, ông cũng không tham gia nghiên cứu khoa học và những gì ông viết trên sách không dựa trên dữ liệu thực nghiệm hay hệ thống mà phần lớn là quan điểm và quan sát cá nhân. Ông ra đi vào năm 74 tuổi vì bệnh tim.
Tài liệu tham khảo
[1] Kushi, M. & Jack, A. (1986) The Book of Macrobiotics: The Universal Way of Health, Happiness, and Peace. Japan Publications New York, NY.

[2] Kushi, L. H., Cunningham, J. E., Hebert, J. R., Lerman, R. H., Bandera, E. V., & Teas, J. (2001). The macrobiotic diet in cancer. J Nutr, 131(11 Suppl), 3056S-3064S. doi:10.1093/jn/131.11.3056S

[3] Kotzsch, R.E. (1985) A corner of history: Hufeland. Macrobiotics Yesterday and Today  Japan Publications New York, NY

[4] Unproven methods of cancer managememt: macrobiotic diets. (1984). CA Cancer J Clin, 34(1), 60-63.

[5] Jacobs, D. R., Jr., Marquart, L., Slavin, J., & Kushi, L. H. (1998). Whole-grain intake and cancer: an expanded review and meta-analysis. Nutr Cancer, 30(2), 85-96. doi:10.1080/01635589809514647

[6] World Cancer Research Fund & American Institute for Cancer Research (1997) Food, Nutrition and the Prevention of Cancer: A Global Perspective  American Institute for Cancer Research Washington, DC.

[7] Sierpina, V., Levine, L., McKee, J., Campbell, C., Lian, S., & Frenkel, M. (2015). Nutrition, Metabolism, and Integrative Approaches in Cancer Survivors. Seminars in Oncology Nursing, 31(1), 42-52. doi:https://doi.org/10.1016/j.soncn.2014.11.005

[8] National Cancer Institute – Nutrition in Cancer are (PDQ®) https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/side-effects/appetite-loss/nutrition-pdq

[9] Blackburn, G. L., & Wang, K. A. (2007). Dietary fat reduction and breast cancer outcome: results from the Women’s Intervention Nutrition Study (WINS). The American Journal of Clinical Nutrition, 86(3), 878S-881S. doi:10.1093/ajcn/86.3.878S

[10] Harmon, B. E., Carter, M., Hurley, T. G., Shivappa, N., Teas, J., & Hebert, J. R. (2015). Nutrient Composition and Anti-inflammatory Potential of a Prescribed Macrobiotic Diet. Nutr Cancer, 67(6), 933-940. doi:10.1080/01635581.2015.1055369

[11] American Cancer Society. Benefits of good nutrition during cancer treatment https://www.cancer.org/treatment/survivorship-during-and-after-treatment/staying-active/nutrition/nutrition-during-treatment/benefits.html

Tác giả và chuyên gia

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm