Phòng bệnhTầm soát ung thưTại sao ung thư khó phát hiện?

Tại sao ung thư khó phát hiện?

“Ung thư biết sớm trị lành”, thế nhưng trên thực tế, phát hiện ung thư không phải là một chuyện dễ dàng. Nguyên nhân sẽ được phân tích kỹ càng trong bài viết dưới đây:

Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học, con người đã bắt đầu hiểu rõ hơn về cơ chế sinh bệnh ung thư ở mức độ phân tử và tế bào học. Sự hình thành ung thư có thể hiểu một cách tóm gọn như sau:

Biến đổi ban đầu ở mức độ phân tử, tạo ra các tế bào bất thường về chức năng. Sau đó các tế bào bất thường này tăng sinh về số lượng một cách không kiểm soát dẫn đến chèn ép các cơ quan lân cận, mạch máu, thần kinh gây ra các triệu chứng tại chỗ.

Đồng thời, những tế bào ung thư và một sốprotein do chúng tổng hợp đi vào hệ tuần hoàn hoặc hệ bạch huyết để di chuyển, gây bệnh tại những vị trí khác của cơ thể (gọi là di căn).[1][2]

Chính vì vậy, ung thư có thể được biểu hiện bằng bất kỳ triệu chứng nào trong cơ thể.

Tuy nhiên, có 7 triệu chứng báo động ung thư:

  1. Có sự thay đổi thói quen của ruột hoặc bọng đái.
  2. Một chỗ loét không chịu lành.
  3. Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường.
  4. Một chỗ dầy lên hoặc một cục u ở vú hoặc ở vị trí nào của cơ thể.
  5. Ăn không tiêu hoặc khó nuốt.
  6. Có sự thay đổi rõ ràng tính chất của nốt ruồi.
  7. Ho dai dẳng hoặc khan tiếng.

Ung thư tại sao khó phát hiện sớm

7 triệu chứng ung thư là tập hợp các chữ cái đầu tiên của CAUTION nhằm nhắc nhở chúng ta phải chú ý:

  1. C – Change in bowel or bladder habits.
  2. A – A sore that does not heal in a normal amount of time.
  3. U – Unusual bleeding or discharge.
  4. T – Thickening of breast tissue or a lump.
  5. I – Indigestion. Indigestion and/or difficulty swallowing.
  6. O– Obvious changes to moles or warts.
  7. N – Nagging cough.

Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết “19 dấu hiệu của cơ thể báo hiệu ung thư

Vậy tại sao ung thư lại khó phát hiện?

Giai đoạn trước khi biểu hiện các triệu chứng:

Thông thường việc phát hiện ung thư dựa vào các kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh tiên tiến(ví dụ: siêu âm, CTscan, MRI, xạ hình xương,…), mẫu sinh thiếtđể làm giải phẫu bệnh hay phẫu thuật thám sát. Tuy nhiên với những kỹ thuật này, trong nhiều trường hợp, thường phát hiện ung thư muộn (do bệnh nhân đến trễ hoặc hạn chế về mặt kỹ thuật, nhân lực…) để có thể điều trị một cách hiệu quả và khi đó ung thư đã tiến triển, thậm chí đã di căn.

Một hướng mới trong việc chẩn đoán sớm ung thư và ít xâm lấn hơn là phát hiện các chất chỉ dấu ung thư (marker ung thư). Các chất chỉ dấu này có thể là các tế bào ung thư hoặc các sản phẩm protein từ các tế bào này. Ví dụ: prostate-specific antigen (PSA) là protein có thể được tìm thấy trong máu giúp phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến.

Bên cạnh đó, các marker này vẫn có thể xuất hiện trong máu ở những người không mắc ung thư hoặc ở những bệnh nhân mắc loại ung thư khác. Và một số loại marker chỉ tăng ở giai đoạn muộn nên việc tầm soát bằng marker chỉ giới hạn ở một số ung thư (Ruy Băng Tím sẽ có một bài viết rõ hơn về các marker ung thư cho quý độc giả quan tâm).

Do vậy không thể chỉ dựa vào một xét nghiệm chất chỉ dấu ung thư nào đó để có thể chẩn đoán xác định một loại ung thư. Ví dụ: Alpha-fetoprotein (AFP) có thể hiện diện trong máu của bệnh nhân ung thư gan nhưng cũng tăng ở những bệnh nhân u tế bào mầm khác.

Trong giai đoạn hiện nay, vẫn có một số loại ung thư có thể phát hiện sớm được bằng các phương tiện tầm soát có hiệu quả. Ví dụ như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư tiền liệt tuyến.

Việc phát hiện ung thư trong giai đoạn này cũng phụ thuộc một phần vào hiểu biết cơ bản của người dân về giá trị của tầm soát và phát hiện sớm ung thư.

Giai đoạn biểu hiện ra triệu chứng:

Thông thường người bệnh sẽ đến khám tại các cơ sở y tế trong giai đoạn này. Một số khó khăn trong việc phát hiện ung thư:

  1. Các triệu chứng thường không đủ chuyên biệt để chẩn đoán ung thư và có thể gặp trong các bệnh cảnh khác không phải ung thư.

Ví dụ: Một bệnh nhân đến khám vì tiểu ra máu, tiểu ra máu có thể gặp trong ung thư bàng quang hoặc các bệnh lý khác như viêm đài bể thận cấp. Vì vậy cần phải hỏi rõ bệnh sử và làm thêm các xét nghiệm cần thiết khác trước khi chẩn đoán có ung thư hay không.

  1. Phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ.

Ví dụ: Cùng một triệu chứng táo bón trên bệnh nhân lớn tuổi, nếu khai thác kỹ thêm tính chất phân thon nhỏ, tiền căn gia đình có người bị ung thư đại trực tràng thì có thể đề nghị thêm xét nghiệm nội soi đại trực tràng, để kiểm tra xem bệnh nhân có ung thư đại trực tràng hay không. Nếu chỉ thăm khám đơn giản mà không hỏi kỹ, có thể bỏ sót và chỉ nghĩ rằng bệnh nhân bị táo bón đơn thuần.

  1. Tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán ung thư hiện nay nay chủ yếu dựa vào kết quả sinh thiết, tuy nhiên các kết quả từ sinh thiết cũng chỉ có độ chính xác nhất định tùy vào loại ung thư và phương pháp sinh thiết.

Ví dụ: Sinh thiết bằng lõi kim trong ung thư vú, có chỉ số âm tính giả là 2.23%[3], điều này có nghĩa là 100 bệnh nhân cho kết quả âm tính trên sinh thiết thì có 2.23 bệnh nhân thật sự có ung thư vú mà xét nghiệm này không phát hiện được. Tỉ lệ âm tính giả trong sinh thiết bằng kim ở bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến là 1.1% [4]. 

Qua đó có thể thấy, dù biểu hiện ra triệu chứng, tuy nhiên việc chẩn đoán ung thư cũng không phải đơn giản.

Giai đoạn muộn, các triệu chứng và xét nghiệm chẩn đoán ung thư đã rõ ràng:

Sau khi được chẩn đoán xác định có ung thư bằng các xét nghiệm với độ chính xác cao như sinh thiết. Ngoài việc xác định có ung thư, các chẩn đoán về vị trí khởi phát ung thư, giai đoạn ung thư rất quan trọng trong việc điều trị và tiên lượng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn có thể gặp một số khó khăn như:

  1. Nếu bệnh nhân chỉ tới khám tại bệnh viện trong giai đoạn này, các tế bào ung thư đã di căn ra nhiều cơ quan khác, gây ra nhiều biến chứng, do đó việc chẩn đoán nguồn gốc vị trí ban đầu của khối u gặp nhiều khó khăn.
  2. Việc xác định giai đoạn bệnh phụ thuộc nhiều vào phương tiện kỹ thuật tại bệnh viện và kinh nghiệm của bác sĩ, nên trong các tình huống phứctạp có thể gặp khó khăn trong chẩn đoán giai đoạn bệnh.

TÓM LẠI:

Cùng với sự phát triển của khoa học, việc chẩn đoán xác định ung thư đã đạt nhiều bước tiến vượt bậc, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của người dân đối với ung thư là một việc làm hết sức cần thiết.

Chịu trách nhiệm nội dung: Lê Nho Quốc

Chỉnh sửa nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp

Nguồn tham khảo:

[1] Bài giảng ung bướu học 2011- Bộ Môn Ung bướu Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.

[2] Signs and symptoms of cancer:

https://www.cancer.org/cancer/cancer-basics/signs-and-symptoms-of-cancer.html

[3] False-negative results of breast core needle biopsies:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3389906/

[4] False-negative prostate needle biopsies:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19935058

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm