Đu đủ là loại cây thân thảo được trồng rộng rãi ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới kể cả ở Việt Nam. Từ xưa đến nay, bên cạnh việc được sử dụng làm thực phẩm, đu đủ còn được dùng làm thuốc trong y học để điều trị các loại bệnh. Tuy nhiên, gần đây có nhiều bài báo viết về tác dụng thần kỳ của lá đu đủ trong việc điều trị và phòng ngừa các bệnh ung thư, dẫn đến mọi người truyền miệng nhau mua lá đu đủ khô về sắc lấy nước uống, với mong muốn thần dược có thể điều trị khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Vậy thực hư của chuyện này ra sao?
Tìm hiều về vai trò của vị thuốc đu đủ trong Đông và Tây y?
Theo Đông y, đu đủ có tên là phan qua thụ, tính hàn, vị ngọt, mùi hơi hắc, có tác dụng thanh nhiệt, bổ làm mát gan, nhuận tràng, giải độc. Đu đủ chín được coi là trái cây bổ dưỡng, giúp tiêu hóa tốt các thực phẩm như thịt, lòng trắng trứng. Quả đu đủ xanh nghiền nát với nước bôi ngoài da có tác dụng chữa các vết tàn nhang ở mặt, tay, vết chai chân và bệnh eczema…Nhựa đu đủ dùng làm thuốc tẩy giun (nhưng cẩn thận khi dùng cho trẻ em và người bị loét dạ dày). Hoa đu đủ đực tươi hoặc khô hấp với đường hoặc đường phèn dùng chữa bệnh ho, viêm phế quản, khàn tiếng. Lá đu đủ dùng gói thịt gà khi nấu để thịt nhanh mềm hơn [1].
Nước sắc lá đu đủ được dùng để tẩy những vết máu bám trên vải vóc hoặc rửa các vết thương, vết lở loét … (tiêu nhọt). Có thể vì công dụng tiêu mụn nhọt đó mà dân gian “đồn thổi” rằng lá đu đủ đực chữa được bệnh ung thư để rồi đổ xô đi tìm. Thực ra, trong Đông y cũng có gọi tên chứng “ung thư” nhưng ý nghĩa thì khác hẳn Tây y. Ung là u, thư là nhọt, theo mô tả của sách cổ Linh Khu (cách đây hơn 4.000 năm) thì chứng này tương tự áp xe hoặc vết thương lở loét chảy mủ về mặt triệu chứng. Trong khi đó, Đông y hoàn toàn không có khái niệm “ung thư” để chỉ khối u ác tính (cancer) như trong Tây y.
Còn theo Tây y, cây đu đủ có tên khoa học là Carica papaya L. thuộc họ đu đủ Papayaceae. Lá đu đủ chứa chất ancaloid carpain, có tác dụng dược lý làm chậm nhịp tim, diệt ký sinh trùng a-mip, điều trị sốt rét. Nghiên cứu chỉ ra rằng lá đu đủ có chứa men papain, có tác dụng tương tự men papain của dạ dày và men trypsin của tuyến tuỵ, có khả năng phân giải chất đạm, ngoài ra còn có tác dụng làm đông vón sữa và tác dụng làm giảm độc tính của một vài loại độc chất, … [2].
Về tác dụng chống sự phát triển của các khối u, các nhà khoa học tại đại học Florida thực hiện nghiên cứu thực nghiệm bằng cách dùng dịch chiết của lá đu đủ cho vào các tế bào ung thư nuôi cấy trong ống nghiệm. Kết quả thì khá hứa hẹn, người ta phát hiện ra trong lá đu đủ có tác dụng điều hòa sự chuyển đổi tế bào Th1 (là một loại tế bào bạch cầu) trong hệ thống miễn dịch của con người [3]. Th1 hay còn gọi các tế bào trợ giúp loại 1 kích hoạt các phản ứng miễn dịch trong cơ thể [4]. Nghiên cho thấy dịch chiết từ là đu đủ có thể cung cấp tiềm năng (xin nhấn mạnh: tiềm năng) để điều trị và phòng ngừa một số bệnh như ung thư, các rối loạn do nguồn gốc dị ứng khác nhau hoặc ứng dụng trong liệu pháp vaccine [3].Tuy nhiên theo nhóm tác giả của nghiên cứu khác nhận định đây chỉ là nghiên cứu thực nghiệm, tức là nuôi cấy tế bào trong ống nghiệm. Cho đến nay chưa có nghiên cứu chính thức thử nghiệm nào trên động vật và trên người [5].
Mời xem thêm: Quy trình nghiên cứu phát triển thuốc – ThS Trần Thị Hồng Loan
Như vậy, nếu bạn hỏi “Tóm lại lá đu đủ có chữa được ung thư không?” – Câu trả lời là có thể, nếu chữa ung thư trong ống nghiệm.
“Có chắc chắn chữa khỏi trên người không?” – Không, vì chưa có nghiên cứu trên con người
Thực hư lời đồn thổi, cơ sở khoa học
Bài thuốc dùng lá đu đủ trị ung thư được dịch từ một bài báo của tờ “Gold Coast Bulletin” (Úc) vào tháng 5-1978, nói về một bệnh nhân người Úc tên là Stan Sheldon bị bệnh ung thư phổi, lan đến cả hai lá phổi (năm 1962). Các bác sĩ kết luận ông chỉ có thể sống thêm khoảng năm tháng nữa, không lâu sau ông đã được một thổ dân Úc tiết lộ phương thuốc cổ truyền của họ là dùng lá đu đủ sắc nước uống. Stan Sheldon uống phương thuốc này liên tục trong hai tháng thì sức khỏe trở lại bình thường. Qua kiểm tra, các dấu hiệu ác tính không còn nữa. Ngay sau đó, thông tin về bài thuốc đã được dịch và lan truyền nhanh chóng đến Việt Nam, nhưng rơi vào quên lãng vì không có bất cứ công trình nghiên cứu hay công bố chính thống nào về tác dụng trị ung thư của lá đu đủ [6].
Trong chuyên mục đời sống trên báo An ninh thủ đô, các bác sĩ tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương đã từng cho bệnh nhân ung thư phổi dùng nước sắc lá đu đủ khi chưa có nhiều thuốc điều trị. Tuy nhiên việc điều trị không mang lại kết quả. Bệnh ung thư phổi phát triển rất nhanh, có khi chỉ 3 – 6 tháng bệnh nhân đã tử vong. Hơn nữa, việc dùng nước lá đu đủ có đáp ứng chậm, có thể phải sau vài tháng mới thấy kết quả, do đó nếu bệnh nhân không tuân thủ điều trị sớm theo thầy thuốc mà dùng lá đu đủ có thể đánh mất cơ hội sống của mình. Hơn nữa, bài thuốc lá đu đủ được thổ dân Úc dùng là loại “paw paw” – đu đủ thân gỗ, còn đu đủ ở Việt Nam là cây thân thảo. Ngoài ra, đu đủ có tới cả trăm loài, lấy loại lá nào, hàm lượng bao nhiêu, dùng trong bao lâu thì lại không rõ [7].
Đồng quan điểm ở trên, các bác sĩ ở bệnh viện K Trung Ương, Viện Dược liệu và Hội Đông y Việt Nam cho rằng có những đề tài nghiên cứu về tác dụng chữa ung thư của bài thuốc lá đu đủ đã được triển khai cách đây mấy năm nhưng đều thất bại. Và đến thời điểm này, chúng ta chưa có công bố chính thức nào. Hiệu quả của nó vẫn chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng theo kinh nghiệm dân gian và theo các tài liệu không chính thức được công bố lẻ tẻ. ThS Đoàn Lực, Trưởng khoa chống đau, Bệnh viện K Trung ương cho biết tháng nào khoa cũng tiếp nhận những bệnh nhân bị tai biến nặng nề, thập tử nhất sinh ở giai đoạn cuối do dùng các loại lá thuốc: thuốc nam, lá đu đủ, thậm chí cả thực phẩm chức năng để chữa bệnh. Lúc đến bệnh viện thì khối u sưng to, di căn nhiều nơi, bệnh nhân suy kiệt,… nên điều trị chủ yếu là nâng cao chất lượng sống, giảm đau cho người bệnh chứ không còn cơ hội chữa. Bệnh ung thư là căn bệnh hiểm nghèo nhưng nếu phát hiện sớm vẫn có thể chữa khỏi bệnh, ở giai đoạn muộn có thể giúp kéo dài sự sống. Nhiều người khi phát hiện ung thư lại không điều trị mà tự ở nhà uống nước lá đu đủ, thuốc nam khiến bệnh nhân bỏ qua mất “thời gian vàng” làm khối u phát triển nhanh hơn[7].
Mời xem thêm:
Bỏ điều trị ung thư bằng phương pháp thông thường để theo các phương pháp thay thế làm tăng nguy cơ chết của bệnh nhân – TS Nguyễn Hồng Vũ
Sự thật về tác dụng điều trị ung thư của Fucoidan – ThS Trần Thị Hồng Loan
Tóm lại, lá đu đủ chưa được chứng minh là có thể điều trị được ung thư trên người và cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa trong tương lai. Vì thế người bệnh nên tránh tự ý dùng lá đu đủ chữa bệnh, đánh mất cơ hội được điều trị kịp thời và làm nặng thêm bệnh tình. Bệnh nhân ung thư cần phải được điều trị bằng các liệu pháp tiên tiến đã được khoa học chứng minh, còn các loại thuốc nam chỉ là liệu pháp hỗ trợ, chỉ dùng khi có nghiên cứu thử nghiệm trên người hoặc bằng chứng khoa học rõ ràng.
Mời xem thêm: Có nên sử dụng dược liệu trong điều trị ung thư? – ThS Trần Thị Hồng Loan
Tài liệu tham khảo
< http://anninhthudo.vn/doi-song/chua-ung-thu-bang-la-du-du-dung-de-mat-co-hoi-vang/585952.antd> xem 8/6/2017.