Các nghiên cứu mớiChế độ ăn uống có ảnh hưởng đến quá trình điều trị...

Chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến quá trình điều trị ung thư? Từ phương pháp dân gian đến cơ sở khoa học!

1. Giới thiệu

Ung thư là một căn bệnh nan y, và người mắc bệnh này có cảm giác như đang mắc án tử. Chính vì vậy, tâm lý có bệnh vái tứ phương luôn tồn tại trong nhiều người. Do đó, bên cạnh việc điều trị bằng y học, nhiều bệnh nhân sử dụng các phương pháp dân gian khác trong điều trị, một trong các phương pháp này là dùng chế độ ăn hằng ngày để điều trị bệnh. Phương pháp này nhằm vào một số mục đích: trực tiếp chữa ung thư, giảm các tác dụng phụ hay cải thiện hệ miễn dịch cho người bệnh!

Trong đó nhiều người áp dụng với mục đích chính là để trị ung thư mà không can thiệp y học! Chế độ ăn uống có ảnh hưởng thế nào trong quá trình điều trị ung thư là một câu hỏi đã được đặt ra từ lâu? Chính vì vậy, những nghiên cứu khoa học làm rõ được vấn đề trên luôn dành được nhiều chú ý từ bệnh nhân, người thân và cả những bác sĩ điều trị ung thư!

Bên cạnh việc sử dụng chế độ ăn như phương pháp để chữa bệnh, vẫn có những phương pháp kết hợp chế độ ăn với phương pháp trị liệu hiện tại. Đặc biệt, hóa trịxạ trị là những phương pháp thường quy được sử dụng rộng rãi trong điều trị ung thư, tuy nhiên nhiều loại thuốc dùng cho hóa trị có tính độc rất cao, vì vậy ảnh hưởng lớn đến việc  điều trị cho bệnh nhân. Chính vì lý do này, các nhà khoa học vẫn luôn tìm cách làm tăng hiệu quả sử dụng thuốc nhưng giảm bớt độc tính của thuốc.

Một trong những chiến lược luôn được tìm hiểu đó là chọn và sử dụng các loại thực phẩm phù hợp làm cho hóa trị liệu hiệu quả hơn thông qua sự thay đổi trao đổi chất của khối u.

Các tế bào khối u sử dụng một số cách trao đổi chất bất thường để sử dụng chất dinh dưỡng theo những cách riêng nhằm hỗ trợ sự tăng trưởng bất thường của chúng. Do đó các nhà nghiên cứu từ lâu đã xem những con đường này là những lỗ hổng tiềm năng để nhằm tấn công tế bào ung thư: một loại thuốc có thể ngăn chặn một hoặc nhiều trong số các con đường đó có thể tiêu diệt khối u trong khi an toàn cho các tế bào khỏe mạnh.[1]

Bài viết này nhằm giới thiệu đến các bạn độc giả một số chế độ ăn đang được lan truyền và sử dụng nhằm điều trị ung thư, tiếp theo là các thử nghiệm lâm sàng kết hợp chế độ ăn và điều trị y học, cuối cùng là đưa ra một số nghiên cứu khoa học chứng minh chế độ ăn kết hợp với các phương pháp điều trị có thực sự cho hiệu quả hay không?

2. Một số chế độ ăn nhằm điều trị ung thư

Dưới đây là bảng liệt kê một số chế độ ăn được tìm thấy trên mạng dựa trên việc tìm kiếm các chế độ ăn được công bố trên các trang –  tạp chí y khoa. Một số chế độ ăn đã được nhiều bệnh nhân áp dụng nhằm điều trị ung thư, tuy nhiên số lượng nghiên cứu khoa học về các chế độ ăn này còn rất giới hạn và thực tế chưa có nghiên cứu lâm sàng nào cho thấy bất kì chế độ ăn nào cho kết quả rõ ràng là có thể trị được ung thư!!! Chính vì vậy, danh sách này mang tính tham khảo và để người đọc hiểu rõ hơn ý nghĩa của từng phương pháp cũng như lợi ích và tác hại của nó khi áp dụng! [2]

Chế độ dinh dưỡng Đặc điểm Nội dung của phương pháp Lợi ích Ảnh hưởng cho bệnh nhân
Ketogenic

Ít tinh bột, đường;

Giàu chât béo.

(High fat, low carb)

Không chứa hay giảm carbonhydrat ( chủ yếu là tinh bột, đường) , calo thu được dựa vào chất béo (omega-3, 6 ) và protein, mục đích tăng hàm lượng keton Cơ sở dựa trên hiệu ứng Warburg đó là tế bào ung thư thu năng lượng thông qua hô hấp kị khí, giảm carbonhydrat làm giảm tăng sinh của tế bào ung thư, chuyển năng lượng từ đường sang mỡ, mỡ sẽ chuyển sang dạng keton, đủ cho việc sản xuất năng lượng cho cơ thể và giảm các chất thải trong chuyển hóa gây đáp ứng viêm. Thiếu các nguyên tố vi lượng.

Mất cảm giác thèm ăn, gây táo bón, buồn nôn.

Thiếu cân, giảm đường huyết, tăng mỡ máu, mất nước, thừa axit, mệt mỏi.

Thực dưỡng

Macrobiotic

( đưa ra bởi 3 nhà khoa học người Nhật: Oshawa và Kushi)

Ngũ cốc là thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất. phương pháp hiện nay thường chứa 50-60% ngũ cốc và 20-30% rau, một lượng nhỏ cá và trứng. Cấm ăn thịt, các sản phẩm sữa, đường, khoai tây, cà chua Ung thư sinh ra do sự mất cân bằng âm dương Một số bệnh nhân chết, một số bị giảm cân do thiếu protein, vitamin B12, C, D, kẽm, canxi, sắt. Thiếu máu.
Kiềm hóa

Alkaline

Ăn các loại thực phẩm được cho là làm thay đổi lượng axit (hay pH) như  rau và trái cây, ít đường; tránh đường, hạt, bơ sữa và thịt Sự hình thành axit là nguyên nhân của bệnh như ung thư, việc thay đổi pH có thể nâng cao sức khỏe và ngừa cũng như trị được ung thư Chưa rõ Thực tế thức ăn không thể nào làm thay đổi pH trong máu. Tuy có thể thấy một số thay đổi trong nước bọt hay nước tiểu nhưng không ảnh hưởng đến PH trong máu
Ăn thực phẩm thô

Raw food

Ăn thực phẩm không qua chế biến Thức ăn qua việc nấu có thể gây ra bệnh tật, đặc biệt là ung thư Tránh được việc bảo quản thực phẩm bằng muối hay tạo ra độc tố qua việc nấu ( ví dụ amin heterocyclic) Thiếu khả năng chịu đựng khi bệnh nhân bị viêm niêm mạc trong quá trình điều trị ung thư. tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Ăn chay

( Vegan/ plant based diet)

Tránh các sản phẩm từ động vật Ăn chay hoàn toàn Cung cấp nhiều chất xơ, vitamin C, vitamin E, axit forlic, megie, ít chất béo bão hòa. Điều hòa lượng đường trong máu và cholesteron Giảm cân. Thiếu vitamin B12, D, canxi, kẽm.
Nhịn ăn

(Fasting)

Nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định Bỏ đói tế bào ung thư Suy dinh dưỡng, giảm cân
Chế độ ăn Bircher-Benner Ăn trái cây, rau và quả hạch. Hoạt động thanh đạm và làm vườn Mặt trời là năng lượng của vạn vật. năng lượng được cung cấp qua chất dinh dưỡng và việc làm dưới ánh nắng mặt trời Không có
Chế độ ăn Gerson Nhằm tăng cường kali, bệnh nhân cần tiêu thụ ít nhất 10kg rau và trái cây mỗi ngày. Tránh ăn mỡ. Protein từ động vật chỉ được ăn ở lượng rất ít. Thải độc 3 đến 4 lần mỗi ngày bằng cà phê Ung thư bắt nguồn từ sự mất cân bằng giữa kali và natri Một số ca bị chết, nhiễm trùng, hôn mê do hạ natri trong máu hay quá cao kali trong máu
Chế độ ăn Kelley/Gonzalez Kết hợp enzym tụy đông lạnh khô, vitamin, chất khoáng, thải độc bằng cafe Ung thư là bệnh gây ra bởi chất đọc từ môi trường Chướng bụng, triệu chứng giống cảm cúm, sốt nhẹ, đau cơ, nứt da, mất cân bằng điện giải
Chế độ ăn Livingston – Wheeler Tự hình thành vaccine từ vi khuẩn nhờ dịch globulin gamma, chế độ ăn chứa kháng sinh BCG vời trái cây ít natri và rau xanh Ung thư là bệnh do vi khuẩn gây ra Việc tiêm ngừa dẫn đến các đáp ứng miễn dịch
Chế độ ăn Breuss Chỉ ăn rau, nước ép trái cây, uống trà, ít nhất 42 ngày Mục đích bỏ đói khối u Suy dinh dưỡng, giảm cân
Chế độ ăn dầu và protein/ Budwig Axit béo omega-3, protein với hàm lượng sulphur cao nguồn gốc từ phô mai và dầu hạt lanh Ung thư hình thành từ các axit béo chưa bão hòa và thiếu hụt axit béo omega-3 , 6 Tăng cường calo cho bệnh nhân đang giảm cân Thiếu vitamin và suy dinh dưỡng
Chế độ ăn Moermann Sử dụng sữa thực vật, vitamin A, B, C,D,E, i ốt, sulfur, sắt, selen, axit citric, không ăn thịt, cá, bột mì trắng, mỡ động vật, đậu Hà Lan, đậu lăng, nấm, khoai tây, đường, muối, bơ thực vật, dầu hydro hóa, cà phê, trứng trắng, rượu, thuốc lá Sự rối loạn và chứa kiềm, vi sinh vật làm chuyển tế bào khỏe mạnh thành tế bào ung thư. Chế độ ăn làm mất đi môi trường sống của chúng Mất cân bằng dinh dưỡng

Bạn đọc có thể tìm hiểu rõ hơn về chế độ ăn Ketogenic ( high fat, low carb) tại bài viết Chế độ ăn giàu béo giảm đường (high fat low carb) có thật sự giúp phòng ung thư?

3. Chế độ ăn kết hợp với hóa trị trong điều trị ung thư

Phần này  tổng quan một số chế độ ăn đang được sử dụng kết hợp với phương pháp điều trị lâm sàng, tuy nhiên cần nói rõ là các kết hợp này hiện đang thử nghiệm lâm sàng và chưa có kết quả chính thức và chỉ định cho bệnh nhân[3]:

Chế độ ăn Kết hợp với thuốc Loại ung thư
Chế độ ăn mô phỏng nhịn ăn (Fasting-mimicking diet) Hóa trị chuẩn Ung thư vú
Nhịn ăn 60 giờ Taxanes Ung thư tuyến tiền liệt
Nhịn ăn 48 giờ Hóa trị chuẩn Ung thư buồng trứng, ung thư vú
Nhịn ăn 20 đến 140 giờ Docetaxel, paclitaxel, cyclophosphamide, carboplatin, gemcitabine, doxorubicin Ung thư vú, ung thư thực quản, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng
Nhịn ăn 48 giờ Gemcitabine, cisplatin Ung thư nguyên phát và di căn
Ketogenic

(ít tinh bột, đường; nhiều chất béo)

Xạ trị Ung thư đại trực tràng, ung thư vú
Ketogenic Hóa trị giảm nhẹ U não
Ketogenic Temozolomide U não
Ketogenic Temozolomide, xạ trị U não
Ketogenic Hóa trị chuẩn và xạ trị U não
Hạn chế năng lượng theo đợt Docetaxel, paclitaxel Ung thư vú

 

4. Minh chứng khoa học cho thấy lợi ích của một số chế độ ăn có hiệu quả khi kết hợp với việc điều trị ung thư

Phần này cho thấy triển vọng của một số chế độ ăn cụ thể khi kết hợp với các phương pháp điều trị như hóa trị – xạ trị, việc kết hợp thực sự cho những kết quả khả quan!!!

4.1 Chế độ ăn có hàm lượng histidine cao kết hợp hóa trị

Một nghiên cứu được công bố ngày 11 tháng 7, 2018 trên tạp chí Nature, một trong những tạp chí hàng đầu về y sinh học do nhóm nghiên cứu của giáo sư David Sabatini tại viện nghiên cứu Y sinh tại Whitehead Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ, cho thấy tiềm năng của việc kết hợp chế độ ăn với quá trình điều trị y học. Cụ thể trong nghiên cứu phát hiện rằng việc bổ sung axit amin histidine vào thức ăn của chuột đã tiến hành hóa trị với methotrexate cho thấy việc tiêu diệt các tế bào ung thư bạch cầu hiệu quả hơn rất nhiều. Methotrexate là một trong những loại thuốc trị ung thư đầu tiên được FDA Hoa Kì chấp thuận và để chữa một số loại khối u rắn và cả ung thư máu và đặc biệt là leukeamia ở trẻ em.[1]

Nếu kết quả trên cũng đúng như vậy trên lâm sàng, histidine bổ sung có thể cho phép các bác sĩ sử dụng methotrexate ở liều thấp hơn từ đó ít độc hơn cho bệnh nhân.

Histidine là acid amin có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt và đậu, một nguồn cung cấp dinh dưỡng dễ tiếp cận, chính vì vậy kết quả nghiên cứu này là rất có ý nghĩa nếu được ứng dụng trên bệnh nhân.

 

[Cơ chế được mô tả như hình dưới:

Folate là một đồng yếu tố ( cofactor) cần thiết cho việc tổng hợp DNA và protein, năm 1948 các nhà khoa học đã chứng minh được các tế bào ung thư leukaemia rất nhạy với thuốc ức chế tổng hợp folate. Methotrexate ức chế enzyme DHFR là enzyme giúp tổng hợp dạng hoạt động của folate là THF từ DHF. Chính vì vậy, tuy có tác động hiệu quả lên tế bào ung thư nhưng việc sử dụng methotrexate cũng làm giảm đáng kể lượng folate trong tế bào khỏe mạnh, từ đó có nhiều tác dụng phụ và ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.

Nghiên cứu này đã sàng lọc các tế bào ung thư để tìm kiếm các gen liên quan đến phản ứng với methotrexate. Việc sàng lọc này phát hiện ra gen SLC19A1, gen này mã hóa cho protein giúp chuyển folate và methotrexate vào trong tế bào, tuy nhiên gen này đã được phát hiện trong các nghiên cứu trước đó. Điểm đặc biệt trong nghiên cứu này là tìm ra một gen mới có liên quan đến đáp ứng với methotrexate là FTCD, gen này mã hóa cho enzyme tham gia vào quá trình tổng hợp histidin. Cụ thể FTCD tham gia quá trình phân giải histidine. FTCD cần THF là một đồng yếu tố để hoạt động, chính vì vậy việc giảm FTCD nội bào giúp hạn chế việc suy giảm lượng THF ( nếu có FTCD thì cần huy động THF để hoạt hóa), từ đó hạn chế được việc suy giảm THF khi điều trị với Methotrexate.

Trong các mô hình chuột và các dòng tế bào người, sự nhạy cảm của các tế bào ung thư với methotrexate có thể được thúc đẩy bởi sự phân giải trao đổi chất của axit amin histidine. Histidine được chuyển hóa thành axit amin glutamate, quá trình này cần có enzyme HAL, và FTCD.

Trong các tế bào ung thư, một lượng lớn THF có sẵn để cung cấp cho các enzyme phụ thuộc THF, chẳng hạn như FTCD hoặc các enzyme cần thiết cho sự tăng sinh tế bào.

Trong các tế bào ung thư được điều trị bằng methotrexate, sự giảm nồng độ THF làm giảm hoạt động của các enzym này và do đó làm giảm sự phát triển của khối u.

Sự phát triển khối u ở chuột khi kết hợp methotrexate và chế độ ăn giàu histidin giảm đáng kể so với khi không kết hợp. Điều này có thể là do sự suy giảm THF kết hợp với FTCD trong quá trình nhằm chuyền hóa histidine, do đó làm tăng tác dụng của methotrexate.][4, 5]

4.2 Chế độ ăn Ketogenic kết hợp hóa trị liệu

Bên cạnh đó, một công bố khác ngày 4 Tháng bảy cũng trên tạp chí Nature, chỉ ra rằng việc sử dụng chế độ ăn làm giảm nồng độ insulin có thể làm cho một số loại thuốc ung thư tác động vào protein PI3K đạt hiệu quả hơn.. PI3K là một loại protein thường bị biến đổi trong các tế bào ung thư và giúp thúc đẩy sự phát triển của khối u. Chính vì vậy, các công ty dược phẩm đã đầu tư lớn vào việc phát triển các loại thuốc ức chế đường truyền tín hiệu PI3K, nhưng hầu hết các thử nghiệm lâm sàng của các thuốc này cho thấy hiệu quả hết sức khiêm tốn.

Nghiên cứu này sử dụng chất ức chế PI3K là metformin và SGLT2. Nhóm nghiên cứu quan sát thấy có sự tăng lên của insulin khi PI3K bị ức chế. Các insulin này sẽ làm kích hoạt lại con đường biến dưỡng mà PI3K bị ức chế, từ đó làm mất hiệu lực của thuốc. Từ đó nhóm nghiên cứu cũng cho thấy tìm ra rằng ngăn chặn sự gia tăng insulin, bằng cách sử dụng thuốc hoặc chế độ ăn ít carbohydrate (có nhiều trong tinh bột) được gọi là chế độ ăn ketogenic (chế độ ăn này làm giảm lượng đường trong máu) ccó thể ngăn chặn sự tái hoạt động của con đường này và tăng hiệu quả của các chất ức chế PI3K từ đó ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở chuột.[6, 7]

[ Cơ chế được mô tả ở hình dưới:

Các tác giả đưa ra một quan điểm mới về tác động ức chế PI3K đó là các chất ức chế này không chỉ nhắm vào các tế bào ung thư, mà còn tác động lên các mô điều hòa lượng đường trong máu. Trong qúa trình điều hòa glucose, insulin được tiết ra bởi các tế bào Beta của tuyến tụy khi lượng đường trong máu tăng cao. Insulin liên kết với các thụ thể trên các tế bào đích kích hoạt đường truyền tín hiệu PI3K ở gan, cơ và mỡ, gây ra những thay đổi trong quá trình sản xuất glucose và hấp thu làm giảm nồng độ glucose trong máu.

Các tế bào ung thư thường cũng biểu hiện các thụ thể insulin giống như trong các tế bào bình thường, tín hiệu thông qua thụ thể insulin kích hoạt đường truyền tín hiệu PI3K. Tuy nhiên, trong các tế bào ung thư, kích hoạt đường truyền tín hiệu này dẫn đến sự tăng sinh tế bào và giảm sự chết tế bào, thay vì ảnh hưởng đến việc điều hòa lượng đường trong máu. Điều này phù hợp với các chứng minh cho thấy các hormon giống insulin và đường tín hiệu PI3K có vai trò trong việc kích thích sử dụng và tăng sinh chất dinh dưỡng của tế bào có chức năng điều hòa glucose trong máu.

Nghiên cứu này và các báo cáo trước đây đều cho thấy các chất ức chế PI3K làm tăng đường huyết bằng cách chặn con đường truyền tín hiệu đáp ứng từ thụ thể insulin trong các mô liên quan đến việc điều hòa glucose trong máu. Sự gia tăng lượng đường trong máu này làm tăng đáng kể nồng độ insulin trong máu, nguyên nhân là các tế bào beta tuyến tụy đáp ứng với nồng độ glucose trong máu cao bằng cách tiết ra thêm insulin trong nhằm duy trì mức đường huyết bình thường. Các tác giả phát hiện ra rằng, trong các tế bào ung thư biểu hiện thụ thể insulin, sự gia tăng insulin này là đủ để tăng hoạt động của đường truyền tín hiệu thông qua thụ thể insulin và kích hoạt PI3K từ đó không chịu tác động bởi các chất ức chế PI3K trên đường truyền tín hiệu này. Điều này làm giảm hiệu quả điều trị và cho phép các tế bào ung thư tăng sinh bất chấp điều trị bằng thuốc.

Trong nghiên cứu cho thấy kết hợp một chất ức chế PI3K với thuốc khác hoặc chế độ ăn uống làm giảm lượng đường trong máu sẽ làm giảm độ cao insulin do thuốc gây ra, và điều này làm tăng hiệu quả của các chất ức chế PI3K trong việc làm chậm sự phát triển của ung thư.

Kết quả cho thấy thử nghiệm hiệu quả nhất là khi kết hợp một chế độ ăn ketogenic (ít carbohydrate, có hàm lượng chất béo cao), giúp cải thiện hoạt động của chất ức chế PI3K ở mức độ cao hơn so với khi chỉ sử dụng các thuốc như metformin (làm giảm sản lượng glucose từ gan), hay thuốc canagliflozin (gây mất glucose trong nước tiểu). ]

Điều đáng chú ý là trong nghiên cứu này các tác giả nhận thấy rằng chế độ ăn ketogenic trong trường hợp không sử dụng thuốc không có hiệu quả ức chế sự phát triển ung thư ở chuột. Kết quả này tương tự với các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cho thấy chỉ áp dụng chế độ ăn uống này KHÔNG giúp cải thiện tỉ lệ sống trên bệnh nhân ung thư.[5]

 

4.3 Một số nghiên cứu đáng chú ý khác

Một nghiên cứu khác năm 2017, do nhóm nghiên cứu ung thư Karen Vousden của Viện Crick Francis ở London và các đồng nghiệp của bà cho thấy hạn chế các axit amin serine và glycine trong chế độ ăn uống tăng khả năng sống sót trên mô hình chuột ung thư. Cả hai axit amin này là đặc biệt quan trọng đối với các tế bào phát triển trong điều kiện oxy thấp (hypoxia) – một tình trạng phổ biến trong các khối u, đây cũng là một hướng nghiên cứu được phát triển mạnh nhằm tấn công tế bào ung thư.[8]

Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Cell Cancer Cell, một trong những tạp chí hàng đầu về ung thư cho thấy chế độ ăn mô phỏng việc nhịn ăn (fasting) theo chu kì có hiệu quả giúp tăng cường hiểu quả của các thuốc Doxorubicin và cyclophosphamide bên cạnh đó giúp hoạt hóa các tế bào T nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.[9]

Một số nghiên cứu trên mô hình chuột kết hợp phương pháp nhịn ăn trong thời gian ngắn cũng cho thấy tăng hiệu quả của một số thuốc như etoposide, mitoxantrone, oxaliplatin, cisplatin, cyclophosphamide và doxorubicin trên một số mô hình ung thư như u nguyên bào thần kinh, sarcoma xơ, u thần kinh đệm, u hắc tố, ung thư vú, ung thư buồng trứng.

Một trong những cơ chế khi cơ thể nhịn ăn là thông qua việc giảm năng lượng hấp thụ vào cô thể dẫn tới giảm lượng glucose trong máu và giảm yếu tố tăng trưởng IGF-1, là một chất kích thích hoạt hóa con đường truyền tín hiệu PI3K/AKT. Bên cạnh đó phương pháp nhịn ăn cũng làm tăng đáp ứng giúp cơ thể chuột nhạy hơn với xạ trị do làm  tăng cường các stress oxi hóa lên tế bào ung thư và điều hòa một số gen nhịp sinh học, sửa chữa hư hỏng DNA.[3, 10]

Trên thực tế, có sự kết hợp 1 số thuốc trong điều trị nhằm mô phỏng đáp ứng cơ thể khi nhịn ăn, thuốc metformin được sử dụng ở nghiên cứu ở trên là một ví dụ, bên cạnh đó là một số chất khác như Resveratrol hay hydroxycitrate. Các chất này khi kết hợp với các biện pháp trị liệu cũng cho thấy làm tăng hiệu quả điều trị và tăng thời gian sống của chuột.[3]

Một nghiên cứu lâm sàng khác trên các bệnh nhân ung thư phổi NSCLC (Non-small cell lung cancer) có đột biến EGFR được điều trị với một số chất ức chế TKI ( gefitinib, erlotinib, hay afatinib) cho thấy khi kết hợp với chế độ ăn kiềm làm tăng hiệu quả của quá trình điều trị. Chế độ ăn này chứa nhiều rau , trái cây và ít thịt và các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên số lượng bệnh nhân được điều trị trong nghiên cứu này còn giới hạn nên để có kết quả chính xác và tin cậy hơn cần số lượng người tham gia điều trị lớn hơn. [11]  

Những kết quả trên cho thấy việc sử dụng chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn và giúp cải thiện hóa trị liệu, tuy nhiên, một vấn đề quan trọng là hầu hết các nghiên cứu còn đang tiến hành trên mô hình chuột và việc đưa những kết quả rất khả quan từ chuột này để có thể ứng dụng trên người là khá phức tạp vì khó kiểm soát chế độ ăn của một người so với trên mô hình chuột.

Bên cạnh đó sự trao đổi chất của mỗi cá nhân là khác nhau, chính vì vậy một thách thức khác đó là ai là người có được đáp ứng trong việc thay đổi chế độ ăn, chính vì vậy một số công ty dược thay đổi trong các nghiên cứu chuyển hóa ung thư vì khó xác định được là nhắm đến đối tượng bệnh nhân nào! Theo nhận định của giáo sư Đặng Văn Chí, giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig, Hoa Kỳ.[1]

Chính vì vậy việc nghiên cứu và ứng dụng các chế độ ăn phù hợp và có khả năng tăng cường hiệu quả của các loại thuốc điều trị ung thư vẫn đang được quan tâm và hy vọng mở ra nhiều cánh cửa cho các bệnh nhân ung thư! Bên cạnh đó, người bệnh hãy sáng suốtkhông nên tự ý áp dụng các phương pháp chưa được công nhận mà nên theo hướng dẫn và phác đồ điều trị của các bác sĩ chuyên khoa tránh những kết quả không mong muốn!

Chịu trách nhiệm nội dung: ThS Trịnh Vạn Ngữ, Viện Nghiên cứu Y sinh, Đại học SoonChunHyang, Hàn Quốc

Cố vấn khoa học: TS.Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ

Tài liệu tham khảo:

  1.      Ledford, H., The right diet can boost potency of cancer drugs, in Nature. 2018, Nature.
  2.      Huebner, J., et al., Counseling patients on cancer diets: a review of the literature and recommendations for clinical practice. Anticancer Res, 2014. 34(1): p. 39-48.
  3.      O’Flanagan, C.H., et al., When less may be more: calorie restriction and response to cancer therapy. BMC Medicine, 2017. 15(1): p. 106.
  4.      Frezza, C., Histidine metabolism boosts cancer therapy. Nature, 2018. 559(7715): p. 484-485.
  5.      Kanarek, N., et al., Histidine catabolism is a major determinant of methotrexate sensitivity. Nature, 2018. 559(7715): p. 632-636.
  6.      POLLAK, M., Diet boosts cancer-drug effectiveness, in Nature. 2018, Nature.
  7.      Hopkins, B.D., et al., Suppression of insulin feedback enhances the efficacy of PI3K inhibitors. Nature, 2018. 560(7719): p. 499-503.
  8.      Maddocks, O.D.K., et al., Modulating the therapeutic response of tumours to dietary serine and glycine starvation. Nature, 2017. 544: p. 372.
  9.      Di Biase, S., et al., Fasting-Mimicking Diet Reduces HO-1 to Promote T Cell-Mediated Tumor Cytotoxicity. Cancer Cell, 2016. 30(1): p. 136-146.
  10.   Allen, B.G., et al., Ketogenic diets enhance oxidative stress and radio-chemo-therapy responses in lung cancer xenografts. Clin Cancer Res, 2013. 19(14): p. 3905-13.
  11.     Hamaguchi, R., et al., Effects of an Alkaline Diet on EGFR-TKI Therapy in EGFR Mutation-positive NSCLC. Anticancer Res, 2017. 37(9): p. 5141-5145.

3 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm