Phòng bệnhLời khuyên phòng ung thưTôi nên làm gì để không bị ung thư trong 20 năm...

Tôi nên làm gì để không bị ung thư trong 20 năm nữa?

Tiến sĩ Bác sĩ William G. Nelson, Giám đốc Trung tâm Ung thư Kimmel, thuộc Đại học Johns Hopkins, mới đây (20/01/2016) đã trả lời câu hỏi trên từ phóng viên của trang quora.com: “Bây giờ tôi 20, tôi nên làm gì để không bị ung thư trong 20 năm nữa?”. Xin được tóm tắt câu trả lời của ông như sau:

  1. Điều quan trọng nhất là tránh thuốc lá, ở mọi dạng.

Ung thư phổi đang là loại ung thư gây chết nhiều nhất tại Mỹ, cũng như Việt Nam, và người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 20-30 lần so với người không hút. Người hút thuốc cũng có nguy cơ bị 18 loại ung thư khác cao hơn người không hút, bao gồm các ung thư thanh quản, bàng quang, cổ tử cung, dạ dày và đại tràng.

Tại Việt Nam, theo thống kê của WHO năm 2012, ung thư phổi đứng thứ 2 về số ca tử vong với 19559 người chết (tỷ lệ chuẩn hoá theo độ tuổi là 22.6 người trên mỗi 100,000 dân số), chỉ đứng sau ung thư gan (20920 ca tử vong, tỷ lệ chuẩn hoá theo độ tuổi là 23.7/100,000).

Hút thuốc lá thụ động (hít khói thuốc lá) cũng đem lại hậu quả tương tự.

(Xem thêm bài viết Có người nhà hút thuốc, bạn phải đối mặt với những nguy cơ bệnh tật sau)

  1. Kiểm soát cân nặng, giữ cơ thể thanh mảnh nhất có thể, nhưng không đến mức thiếu cân.

Rất nhiều các nghiên cứu đã được thực hiện để tìm mối liên hệ giữa xác suất bị ung thư với chỉ số cân nặng. Các kết quả đều lặp lại rằng tỷ lệ ung thư ở những người càng thừa cân thì càng cao. Tỷ lệ này cao nhất ở những người bị béo phì.

Để biết bản thân có thừa cân hay không, xin làm theo quy chuẩn sau:

Trước hết, tính chỉ số BMI của bạn.

BMI = khối lượng cơ thể (theo kg) / [chiều cao (theo mét) * chiều cao (theo mét)], tức là lấy khối lượng cơ thể chia cho bình phương chiều cao.

Theo đó, bạn có thể đánh giá cơ thể theo tiêu chuẩn sau:

  • <18.5 là thiếu cân.
  • 18.5 – 24.9 là bình thường.
  • 25 – 29.9 là dư cân.
  • >30 là béo phì.

Theo lời khuyên của Bác sĩ Nelson, BMI của bạn càng gần 18.5 càng tốt, nhưng không nên dưới mức đó.

  1. Vận động cơ thể, ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Ít vận động thể chất là nguyên nhân của rất nhiều bệnh, trong đó có ung thư và tim mạch. Một trong các nguyên nhân được đề nghị cho câu hỏi tại sao bệnh nhân ung thư đang trẻ hoá, đó chính là do chế độ làm việc văn phòng ngày càng phổ biến, những ngừoi trẻ lo tập trung làm việc mà quên đi vai trò quan trọng của việc vận động thể chất.

Nhiều chuyên gia khuyên rằng, cứ sau 1 tiếng ngồi tại chỗ thì bạn cần đứng dậy đi đâu đó trong vài phút, hoặc tập một số động tác thể dục tại chỗ. Đừng ngại khi bị nói “trẻ mà lo xa”, hãy nhớ sức khoẻ là của bạn, không ai trả giá cho việc thiếu vận động ngoài chính bạn.

  1. Hạn chế tối đa việc tiêu thụ thức uống có cồn (rượu bia).

Rất nhiều báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng tiêu thụ thức uống có cồn làm tăng nguy cơ ung thư, trong đó chịu tác động mạnh nhất là khu vực hệ tiêu hoá trên (vòm họng, thanh quản, thực quản, dạ dày) và gan. Cồn trong rượu bia, sau khi được chuyển hoá đã thành acetaldehyde, được xác định là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ung thư.

(Xem thêm bài viết Uống rượu bia bị đỏ mặt – coi chừng nguy cơ ung thư)

  1. Hạn chế thực phẩm giàu chất béo hoặc đường.

Như đã nói ở trên, việc thừa cân/béo phì làm tăng nguy cơ ung thư của bạn. Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm cân là hạn chếế thực phẩm giàu chất béo hoăc đường, bên cạnh một chế độ vận động hợp lí.

  1. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Hầu như ai cũng biết tia cực tím là tác nhân chính gây ung thư da, và tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời. Do đó, việc hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là từ khoảng 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều để tránh tia cực tím là điều cần làm. Nếu phải ra khỏi nhà vào khoảng thời gian này, hãy giảm phần cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng càng nhiều càng tốt, hoặc sử dụng kem chống nắng.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải ánh nắng mặt trời là xấu. Chúng ta vẫn nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng vào những lúc không gay gắt để da tổng hợp vitamin D, giúp chống còi xương, loãng xương.

  1. Hằng năm, nên kiểm tra sức khỏe, đặc biệt nên hỏi bác sĩ xem độ tuổi của mình có phù hợp với phương pháp tầm soát ung thư nào hay không.

Việc tầm soát ung thư là một trong những điều cần thiết nhất để phòng hoặc phát hiện ung thư ở những giai đoạn sớm, khi mà khả năng chữa trị còn cao. Hiện nay, tuy không phải loại ung thư nào cũng tầm soát được, nhưng nhiều loại ung thư phổ biến đã có phương pháp tầm soát, như cổ tử cung, vú, đại trực tràng, phổi…

Lưu ý rằng khám tổng quát không phải là tầm soát. Nếu bạn muốn làm tầm soát, cần nói rõ với bác sĩ của bạn để được tư vấn và chỉ định phương pháp phù hợp.

  1. Chia sẻ thông tin về người thân bị ung thư với bác sĩ của bạn.

Điều này quan trọng vì một số ung thư có yếu tố di truyền. Ví dụ, nếu trong gia đình bạn có ai đó bị ung thư vú, thì bạn (phụ nữ) cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn những người bình thường, khi đó việc tầm soát ung thư vú là cực kỳ quan trọng để phát hiện và ngăn chặn bệnh sớm.

  1. Tiêm ngừa virus HPV và virus HBV

Virus HPV (human papillomavirus) là nguyên nhân gây một số loại ung thư, trong đó ung thư cổ tử cung là chính).

Virus HBV (hepatitis B) là loại virus gây viêm gan siêu vi B, nguyên nhân chính gây ung thư gan.

Việc tiêm chủng này được áp dụng cho cả nam lẫn nữ.

Lưu ý là việc tiêm HPV có giới hạn tuổi (xem thêm bài viết HPV – nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử ung & vaccine phòng ngừa).

  1. Đa dạng hóa thực đơn hằng ngày.

Một thực đơn nghèo nàn (ít món), ít chất xơ, nhiều thịt đỏ (thịt gia xúc như heo, bò…) sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

(Xem thêm bài viết Ung thư đại trực tràng- Yếu tố nguy cơ và phòng tránh)

 

Không có cách nào chắc chắn để loại trừ khả năng ung thư. Nhưng các biện pháp phòng ngừa tưởng chừng như bình thường này lại thực sự giảm khả năng bị ung thư của bạn một cách rõ rệt, bác sĩ Nelson nói.

Hi vọng mọi người có thể ghi nhớ và áp dụng càng nhiều biện pháp càng tốt. Hãy chia sẻ thông tin này, vì sức khỏe của bạn và người thân, bạn bè bạn.

Lần cuối xem xét khoa học: 26/3/2016.

Lần cuối chỉnh sửa: 26/3/2016.

Tài liệu tham khảo
Director of Johns Hopkins Kimmel Cancer Center What Makes Cancer So Hard To Cure <Accessed on January 25, 2016> Available at: http://www.huffingtonpost.com/quora/director-of-johns-hopkins_b_9030584.html

GLOBOCAN 2012: Estimated Cancer Incidence, Mortality and Prevalance Worldwide in 2012, IARC <Accessed on January 25, 2016> Available at: http://globocan.iarc.fr/Pages/fact_sheets_population.aspx

Tác giả và chuyên gia

20 COMMENTS

  1. Mình có thấy khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nhưng mình có ý định tắm nắng sáng khoảng 20-40 phút từ 6h đến 7h thì có được không nhỉ, vì nghe nói tắm nắng cũng khá tốt cho sức khỏe và làn da?

    • Thưa chị Thảo,

      Rất cảm ơn sự quan tâm của chị.

      Chính xác thì việc khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là để tránh tiếp xúc với tia cực tím. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không có gì chỉ toàn có hại hoặc chỉ toàn có lợi, ánh nắng mặt trời cũng vậy. Việc phơi nắng để cơ thể tổng hợp vitamin D chống còi xương, loãng xương là 1 điều đã được chứng minh nhiều [1]. Trong khi buổi sáng khoảng 6-7h thì hàm lượng tia cực tím xuống mặt đất khá thấp, việc tắm nắng không có vẻ gì là nguy hại, và chỉ cần 10-15phút là đủ hàm lượng vitamin D cần thiết mỗi ngày[1]. Nếu chị vẫn lo vấn đề UV, chị có thể sử dụng kem chống nắng có SPF từ 15 trở lên, mà không làm mất khả năng tổng hợp vitamin D của cơ thể. SPF là chỉ số tương đối cho thấy khả năng cản tia cực tím (UV lớp B). Một cách gần đúng, % tia cực tím bị chặn bởi kem chống nắng theo chỉ số SPF là:

      SPF 15 cản 93% UVB

      SPF 30 cản 97% UVB

      SPF 50 cản 98% UVB

      Chỉ cần SPF 30 cũng đủ rồi, vì có dùng loại kem có SPF lớn hơn nữa thì khả năng cản UVB cũng không tăng bao nhiêu, mà tiền thì tốn hơn nhiều.

      Hi vọng đã giải đáp được thắc mắc cho chị.

      – Cao Luân –

      Tài liệu tham khảo:

      [1] NHS, UK. http://www.nhs.uk/Livewell/Summerhealth/Pages/vitamin-D-sunlight.aspx

      • Em cũng có thắc mắc về vấn đề tắm nắng. Em hiện đang sống và làm việc ở Đan mạch là một nước Bắc Âu lạnh gần như quanh năm và ít nắng. Kể cả có ra đường có nắng thì vẫn phải quần dài áo khoác như thường. Vậy theo anh tắm nắng chính xác là ” tắm ” như thế nào ? Nếu chỉ mỗi khuôn mặt tiếp xúc với ánh nắng không thôi thì liệu có được gọi là tắm nắng không ạ. ?

        • Cảm ơn câu hỏi thú vị của bạn. Thật ra, không có định nghĩa chính xác thế nào là “tắm nắng”, và khái niệm này cũng không thống nhất giữa các tổ chức sức khoẻ, nên mình cũng không rõ là chỉ có khuôn mặt tiếp xúc với nắng có được tính là tắm nắng không, và nếu có thì thời gian tắm có khác với toàn thân tiếp xúc với nắng không.
          Về nguyên tắc, lúc tắm nắng, cái chúng ta cần là tia cực tím loại B, tức loại có năng lượng trung bình (Tia cực tím chia làm 3 loại: A, B, C, theo thứ tự năng lượng tăng dần). Loại B này có khả năng xuyên qua quần áo tương đối mỏng, nên theo mình, việc bạn “tắm” nắng với quần áo mỏng vẫn ổn. Bạn chỉ cần chú ý thời gian lúc tắm nắng, vì mặc dù là trời Bắc Âu rất lạnh khiến bạn không thấy nóng, nhưng nắng giữa trưa vẫn mang nhiều tia cực tím C có thể gây ung thư da. Nên tắm nắng lúc nắng mới lên hoặc xế chiều như mình nói ở trên nhé.

    • Chào bạn,

      HPV có nhiều chủng, không phải chủng nào cũng gây ung thư, nên cần có xét nghiệm cụ thể để đưa ra lời khuyên cho bạn. Bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn chữa trị sớm nhé. Nếu thấy cần, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn về việc tầm soát ung thư phù hợp.

  2. Hi Luân, hình như em hơi nhầm ở số liệu tử vong do ung thư phổi và ung thư gan do em đưa ra là 14,401 và 15,995 trên 100,000 dân, như vậy tổng sẽ là 30% @.@ nghĩa là 100 người thì đã có 30 chết rồi @.@ trong khi nguồn dẫn từ WHO thì ASR chỉ có 22.6 và 23.7 trên 100,000 dân thôi. Em fix lại để số liệu đúng hơn nhé.

    • Chào chị. Em không rõ những nơi khác, riêng ở Sài Gòn thì chị có thể đến BV Ung Bướu, Hòa Hảo, Đại học Y dược hoặc Chợ Rẫy làm tầm soát. Hiệu quả cao nhất thì chắc là ở BV Ung bướu rồi, cả bệnh viện chỉ chuyên về mảng đó mà.

  3. Chào a, e muốn biết được thời gian hình thành tế bào ung thư là bao lâu. Và thời gian ung thư từ giai đoạn 1 đến từng giai đoạn 2… va gia đoạn cuối. Đối với ung thư phổi.

    • Chào bạn, bênh ung thư mà mọi người thường nói có trên 200 loại ung thư khác nhau, mỗi loại bệnh ung thư có quá trình hình thành và phát triển khác nhau. Thâm chí ngay trong 1 bệnh ung thư phổi như bạn nói cũng có thể được hình thành từ nhiều loại tế bào khác nhau và mỗi loại tê bào lại đột biến cho ra nhiều loại ung thư khác nhau nữa. Cho nên với câu hỏi của bạn thì không có một câu trả lời nào chính xác cả. Người ta chỉ ước lượng tốc độ phát triển của một loại ung thư cụ thể nào đó (gọi là tiên lượng bệnh) sau khi có đầy đủ các thông tin trên (loại tế bào, grade mô học, loại đột biến). Tiên lượng cũng chỉ đánh giá ở mức tương đối mà thôi.

  4. Cho em hỏi về vấn đề phơi nắng vào buổi sáng ạ. Theo cá nhân em tìm hiểu và tổng hợp thông tin từ 1 số bác sỹ tại Việt Nam và cả nước ngoài nói về vấn đề phơi nắng và tổng hợp Vitamin D cho cơ thể như sau ạ: ” Ánh sáng mặt trời không nhìn thấy được có hai loại tia cưc tím (UV) là UVA (320-400nm) và UVB (290-320nm), còn UVC thì tầng ozone đã hấp thu hết không tới lượt mình. Để tạo được vit D, cần phải có UVB, UVA thì không có tác dụng tạo Vit D.
    UVA có bước sóng cao hơn, xuyên thấu hơn nên có thể xuyên qua tầng ozone tới chúng ta suốt ngày từ lúc mặt trời mọc tới lúc lặn.
    UVB có bước sóng thấp hơn, chỉ tới được trái đất khi mặt trời lên cao và tạo được góc 50 độ với nơi chúng ta đang đứng, tức là từ 10AM-3PM, tức là giờ nắng dã man nhất, đỉnh điểm UBV là giữa trưa.
    Vậy nên muốn tạo được vitamin D bằng cách tắm nắng thì phải tắm nắng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời buổi trưa, và nếu thực hiện như vậy thì nguy cơ tổn thương da và ung thư da rất cao. Hiện nay vì nguy cơ tổn thương da, AAP khuyến cáo cho trẻ bú mẹ hay bú sữa công thức dưới 1 lit/ngày uống Vit D 400 IU/ngày. Người lớn sống tại những vùng có khả năng tổng hợp Vit D thấp thì cũng được khuyến cáo bổ sung Vitamin D3 bằng đường uống/xịt, …”.

    Trên đây là 1 số thông tin em tổng hợp được và mong đội ngũ RBT có giải thích rõ về những thông tin trong bài viết này và cho em lời khuyên chính xác với ạ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm