Các loại ung thưHp và ung thư dạ dày

Hp và ung thư dạ dày

VI KHUẨN HP LÀ GÌ?

Hp hay H. pylori là tên viết tắt của vi khuẩn Helicobacter Pylori – một loại xoắn khuẩn sinh trưởng trong lớp chất nhày bao phủ bề mặt niêm mạc dạ dày.

Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có khoảng 2/3 dân số thế giới nhiễm Hp. Trong đó, tỷ lệ nhiễm ở các nước đang phát triển cao hơn nhiều so với ở các nước phát triển.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế có hơn 70% người trưởng thành bị nhiễm vi khuẩn Hp. Trong đó, 90% số người bị viêm dạ dày, 75%-85% trong số người bị loét dạ dày-tá tràng và 80%-95% trong các trường hợp biến chứng thủng do loét dạ dày-tá tràng có sự hiện diện của vi khuẩn Hp.

NHIỄM H. PYLORI CÓ DẪN TỚI BỊ UNG THƯ DẠ DÀY HAY KHÔNG?

Nhiễm Hp thường dẫn đến các bệnh sau:

  1. Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày: triệu chứng là đầy bụng, buồn nôn, chán ăn.
  2. Viêm mạn tính niêm mạc dạ dày
  3. Chứng khó tiêu chức năng: triệu chứng là đau, nóng rát, đầy bụng vùng thượng vị, ăn nhanh no, các triệu chứng này giảm đi sau khi ăn khoảng 30 phút đến 2 giờ.
  4. Ung thư lympho tế bào B lớp niêm mạc dạ dày (MALT): là 1 dạng ung thư lympho tế bào B, tuy nhiên đáng mừng là khoảng 60 – 80% ung thư loại này sẽ thoái triển và khỏi hoàn toàn sau diệt Hp.
  5. Ung thư dạ dày: tình trạng viêm teo mạn tính nặng và dị sản ruột lan tỏa dẫn tới xuất hiện ung thư dạ dày. Triệu chứng giống với viêm cấp hay mạn tính niêm mạc dạ dày và chứng khó tiêu chức năng.

PYLORI ĐƯỢC LÂY TRUYỀN NHƯ THẾ NÀO?

Một số chuyên gia cho rằng đường lây truyền chủ yếu là từ:

  • Đường phân – miệng
  • Đường miệng – miệng: vd: nhai cơm và mớm cơm cho con ở một số nước trong đó có Việt Nam trước đây cũng là nguyên nhân trực tiêp lây truyền Hp
  • Qua đường thức ăn và nước bị ô nhiễm

TẦM SOÁT VÀ ĐIỀU TRỊ HP ĐỂ NGỪA UNG THƯ DẠ DÀY

Việc tầm soát Hp được xem là rất cần thiết và có giá trị lớn trong việc phát hiện và điều trị sớm ung thư dạ dày. Nếu bạn thuộc trong các tình huống sau, chúng tôi khuyên bạn nên tầm soát phát hiện và điều trị nhiễm Hp:

  • Đang có ổ loét dạ dày-tá tràng
  • Rối loạn tiêu hóa như: khó chịu, cảm giác no hoặc nóng rát hay đau ở vùng thượng vị trong hoặc sau khi ăn.
  • Đánh giá kết quả điều trị sau khi điều trị nhiễm H. pylori.
  • Dùng thuốc giảm đau lâu ngày.
  • Có bố, mẹ, anh, chị, em ruột bị ung thư dạ dày.
  • Bệnh MALT lympho dạ dày mức độ thấp

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN HP?

  • Xét nghiệm máu tìm kháng thể chống lại Hp: khi Hp vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ sản sinh kháng thể để chống lại sự xâm nhiễm của Hp. Nếu xét nghiệm thấy có kháng thể kháng Hp tồn tại trong máu, ta có thể biết được người này đã nhiễm Hp hay chưa. Tuy nhiên, kháng thể này tồn tại trong máu trong thời gian khá dài, kể cả khi người bệnh đã được điều trị khỏi. Do vậy xét nghiệm này không có tính đặc hiệu, không thể xác định chính xác hiện tại người bệnh có còn nhiễm Hp hay không.
  • Kiểm tra hơi thở: Phương pháp này sử dụng carbon đánh dấu C13 hoặc C14 để kiểm tra sự có mặt của men urease do vi khuẩn Hp tiết ra. Men này phân hủy urê thành CO2 và NH3, nếu trong hơi thở của người bệnh có Hp sẽ thu được CO2 có chứa cacbon đánh dấu trong khí thở ra. Xét nghiệm này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, chính xác, đơn giản và an toàn.
  • Xét nghiệm phân: có thể phát hiện dấu vết của Hp trong phân. Xét nghiệm này có thể được sử dụng để chẩn đoán nhiễm trùng và có thể dùng để đánh giá kết quả điều trị.
  • Xét nghiệm qua nội soi dạ dày: Thông qua nội soi bằng ống mềm, bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm từ niêm mạc dạ dày (sinh thiết) để làm một số xét nghiệm chẩn đoán Hp (như: sử dụng kính hiển vi; nuôi cấy tìm vi khuẩn,…)

Tùy vào từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn các cách chẩn đoán khác nhau cho phù hợp nhất.

KHÓ ĐIỀU TRỊ KHỎI HP

Nguy cơ thất bại rất cao do nhiều nguyên nhân như:

  • Người bệnh không tuân thủ đúng liều lượng, thời gian và cách uống thuốc do sợ tác dụng phụ của kháng sinh, hoặc sợ phải uống số lượng thuốc quá nhiều.
  • Vi khuẩn Hp đề kháng với các kháng sinh đang sử dụng do việc lạm dụng và sử dụng tùy tiện kháng sinh.
  • Hay acid trong dạ dày quá nhiều làm cho kháng sinh bị phá hủy hoặc mất tác dụng hoặc do chuyển hóa ở gan làm cho các thuốc ức chế tiết acid bị giảm tác dụng.

PHÒNG NGỪA LÂY NHIỄM H. PYLORI?

Để phòng ngừa sự lây nhiễm Hp, nên:

  • Ăn chín, uống sạch. Không sử dụng chung vật dụng ăn uống như ăn cùng chén, uống cùng ly. Khi có bất thường ở dạ dày, nên đến khám sớm các cơ sở y tế.
  • Không nên sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc hay làm theo sự chỉ dẫn của một số người không có trình độ chuyên môn. Không nên lo lắng quá mức khi bị nhiễm Hp

Chịu trách nhiệm thông tin: Huỳnh Ngọc Khánh An, Sinh viên Y5 ngành Bác sĩ Đa Khoa, Đại học Y Dược TPHCM.

Góp ý chỉnh sửa: BS Trần Hoàng Hiệp
Lần cuối xem xét khoa học: 07/04/2017

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/infectious-agents/h-pylori-fact-sheet#q3
  2. http://moh.gov.vn/news/Pages/DiemTinYTeTuCacBaoCaoV2.aspx?ItemID=482&QAItemID=482&sId=1

Hình ảnh: sưu tầm từ Internet

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm